Tuy nhiên, điều đó chỉ khiến các chuyên gia an ninh càng lo ngại nguy cơ một chính phủ Trump không cân bằng giữa “bơ và súng”, giữa quân sự và ngoại giao.
Lầu Năm Góc đêm 13-4 công bố không quân Mỹ đã cho thả quả bom phi-hạt-nhân nặng gần 10 tấn GBU-43/B để tiêu diệt khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Afghanistan. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chối tiết lộ có phải ông là người ký quyết định ném bom hay không.
Thay vào đó, ông Trump nói rất tự hào về quân đội Mỹ sau sứ mệnh ném bom ông gọi là “rất thành công” này và rằng niềm tin của ông vào quân đội chính là “lý do họ thành công”. Nguồn tin từ CNN cho biết ký quyết định ném quả siêu bom trên là tướng John Nicholson, Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Afghanistan.
Trước đó, ông Trump cũng đối mặt nhiều chỉ trích vì chọn quá nhiều tướng lĩnh đã về hưu để lấp vào các vị trí chủ chốt trong nội các: Đưa ông James Mattis, một tướng thủy quân lục chiến về hưu, về làm bộ trưởng Quốc phòng; ông H.R. McMaster, một trung tướng bộ binh, làm cố vấn an ninh quốc gia. Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joe Dunford và Bộ trưởng An ninh nội địa John Kelly cũng xuất thân là tướng về hưu.
Ông Trump đã trao quyền nhiều hơn cho tướng lĩnh để tăng sự linh động trên một số chiến trường có lực lượng Mỹ tham chiến. Ông chủ Nhà Trắng tuyên bố điều này tạo nên “điểm khác biệt lớn” so với chính quyền người tiền nhiệm Barack Obama nổi tiếng quản lý quá tiểu tiết.
Thế nhưng nhiều người lo ngại sự xuất hiện quá nhiều chuyên gia quân sự trong bộ sậu của ông Trump sẽ khiến cho các chính sách an ninh quốc gia “nhuốm mùi thuốc súng”, đặc biệt khi ông Trump lẫn êkíp thân cận đều thiếu kinh nghiệm hoạch định mảng này.
Bà Alice Hunt Friend, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), nhận định mối nguy hiểm của việc quá phụ thuộc vào cố vấn quân sự đó là các chiến dịch quân sự sẽ bị cách ly khỏi chính sách ngoại giao, khiến các quan chức cấp cao xuất thân dân sự và nhóm quân nhân khó lòng tìm ra tiếng nói chung để giải quyết vấn đề cấp bách.