Tờ The Times of India dẫn thông cáo ngày 15-8 của Bộ Y tế Nga cho biết đã sản xuất xong lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên do Viện Nghiên cứu Khoa học về Dịch tễ học và Vi sinh vật Gamaleya cùng Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) hợp tác phát triển.
Dự kiến, vaccine của Nga sẽ được tới tay công chúng vào cuối tháng 8 sẽ được chia làm hai đợt tiêm cách nhau ba tuần để tạo phản ứng miễn dịch với virus tốt nhất.
Một số chuyên gia Nga trong phòng thí nghiệm vaccine COVID-19 của Viện Nghiên cứu Khoa học về Dịch tễ học và Vi sinh vật Gamaleya (Ảnh chụp vào tháng 6-2020). Ảnh: RT
Cơ quan này cũng khẳng định đã thực hiện đầy đủ quy trình kiểm tra cần thiết và xác nhận vaccine đủ an toàn để sử dụng trên người, đạt độ miễn dịch tốt.
Dù vậy, trước đó vào ngày 12-8, Giám đốc RDIF - ông Kirill Dmitriev thông báo sẽ tiến hành đợt thử nghiệm vaccine giai đoạn ba ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Saudi Arabia và một số quốc gia khác.
Đến nay, hầu hết giới chuyên gia vẫn rất nghi ngờ độ hiệu quả và tính an toàn của vaccine do Nga điều chế do nước này chưa công bố dữ liệu của các đợt thử nghiệm trước.
Mặt khác, ngay cả khi một liều vaccine tiềm năng được chứng minh là có khả năng tạo miễn dịch với virus thì vẫn phải mất thời gian thử nghiệm để đánh giá khả năng bảo vệ này sẽ kéo dài trong bao lâu.
Một số nước như Mỹ phải tiến hành thử nghiệm và theo dõi liên tục trên hàng chục ngàn bệnh nhân, tình nguyện viên trong khi Nga, với thời gian sản xuất vaccine nhanh như vậy, nhiều khả năng chỉ thử nghiệm trên vài ngàn người là tối đa, đài CNN cho biết.
Hiện giới chức Nga đã lên tiếng bác bỏ mọi ý kiến chỉ trích và lo ngại về vaccine của nước này. Tổng thống Vladimir Putin hôm 11-8 đã trực tiếp lên tiếng đảm bảo độ an toàn của vaccine đồng thời tiết lộ bản thân nhà lãnh đạo và con gái ông đã được tiêm chủng.
Theo đài RT, đã có 20 quốc gia đặt hàng trước một tỉ liều vaccine của Nga và nước này có thể sản xuất 500 triệu liều một năm năm tại năm quốc gia đồng ý hợp tác.