Mỹ: Tháng 7 thử nghiệm vaccine COVID-19, tháng 12 sản xuất

Theo hãng tin Reuters, chính phủ Mỹ đang lên kế hoạch cho cuộc thử nghiệm vaccine COVID-19 quy mô lớn nhất từ trước tới nay với hơn 100.000 tình nguyện viên tham gia.

Hàng trăm ngàn người tham gia thử thuốc

Theo kế hoạch, chương trình thử nghiệm vaccine quy mô lớn sẽ được khởi động vào đầu tháng 7 tới.

Trước mắt, loại vaccine do Công ty công nghệ sinh học Moderna (bang Massachusetts) hợp tác chế tạo cùng Viện Y tế Quốc gia (NIH) sẽ là loại thuốc đầu tiên được đưa vào thử nghiệm.

Ngoài ra, còn có vaccine do ĐH Oxford (Anh) phối hợp cùng Công ty AstraZeneca sản xuất. Mỗi loại vaccine sẽ có khoảng 20.000-30.000 người dùng thử. 

Các chuyên viên y tế của Công ty Moderna nghiên cứu vaccine trong phòng thí nghiệm. Ảnh: THE BOSTON GLOBE

Các cuộc thử nghiệm này được giới khoa học đặt kỳ vọng rất lớn với mục tiêu tìm ra phương pháp kháng virus SARS-CoV-2 hiệu quả nhất. Từ đó có thể đưa vaccine vào sản xuất đại trà vào cuối năm nay. 

Theo TS Larry Corey, chuyên gia vaccine tại Trung tâm Ung thư Fred Hutchinson (thành phố Seattle), sẽ có khoảng 100.000-150.000 người được đăng ký tham gia thử thuốc.

BS Francis Collins, Giám đốc Viện Y tế Quốc gia, truyền thông điệp khích lệ cộng đồng: “Nếu bạn thấy chương trình này an toàn thì hãy cùng chung tay”.

Cuộc chạy đua vaccine đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết khi COVID-19 đã trở thành đại dịch có sức lây lan khủng khiếp. 

Tính đến nay, COVID-19 đã khiến hơn 5 triệu người nhiễm bệnh, hơn 335.000 người tử vong và hàng trăm nền kinh tế chao đảo. 

Các chai nhỏ có nhãn dán vaccine COVID-19 đang được thử nghiệm. Ảnh: REUTERS

Thông thường, công tác nghiên cứu một loại vaccine phải kéo dài nhiều năm trời. Thế nhưng lần này mọi việc bắt buộc phải rút gọn trong vài tháng. Để có được kết quả nhanh nhất, các nhà sản xuất vaccine đã đồng ý chia sẻ dữ liệu nghiên cứu của mình cũng như hỗ trợ việc thử nghiệm tối đa cho cả đối thủ cạnh tranh.  

Kỳ vọng có vaccine trong tháng 12

Nỗ lực của các nhà khoa học là lời hưởng ứng mạnh mẽ chương trình “Chiến dịch thần tốc” (Warp Speed) mà Tổng thống Donald Trump phát động vào tuần trước.  

Theo tờ New York Times, Tổng thống Trump đã nhấn mạnh: “Mục tiêu của chiến dịch là phát triển và phân phối vaccine phòng COVID-19 trong thời gian nhanh nhất”. 

Chính phủ Mỹ sẽ đầu tư hàng tỉ USD để hỗ trợ các nhà sản xuất vaccine hoàn thành sớm mục tiêu. Song song đó, quân đội sẽ làm việc với các quốc gia để phát triển hệ thống điều tiết, huy động nguồn lực để phân phối ngay khi vaccine sẵn sàng. 

Theo quy trình thông thường, việc bào chế, sản xuất vaccine sẽ trải qua các bước: thử nghiệm trên động vật, thử trên một nhóm người nhỏ rồi mới mở rộng ra hàng ngàn người. Cuối cùng, sau khi chứng minh an toàn, vaccine sẽ được chính thức sản xuất.

Tổng thống Trump trong buổi làm việc với NIH. Ảnh: NEW YORK TIMES

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, các công đoạn trên sẽ phải thay đổi. Theo BS Francis Collins, để có kết quả nhanh nhất thì vaccine sẽ được thử nghiệm trên chính nhân viên y tế và cộng đồng người dân nơi virus đang hoành hành. 

Đơn cử như thủ đô Washington, nơi dịch chưa chạm đỉnh là một địa điểm lý tưởng. Ngoài ra, vaccine có thể được thử nghiệm ở nước ngoài. Chẳng hạn như châu Phi, nơi dịch bệnh bắt đầu lây lan mạnh. 

Hôm 21-5, chính phủ Mỹ cho biết sẽ chi 1,2 tỉ USD để mua 300 triệu liều vaccine của ĐH Oxford. Trong khi đó, các thử nghiệm trên người của Công ty Moderna đã đi đến giai đoạn giữa. Vaccine của các hãng lớn như Johnson & Johnson, Sanofi và Merck & Co thì có bước tiến chậm hơn khoảng một, hai tháng. 

Có tổng cộng 14 ứng viên thử nghiệm vaccine trong danh sách chính phủ Mỹ đã duyệt. Tất cả các hãng sản xuất này đều đang nỗ lực đẩy nhanh nghiên cứu của mình. 

Tuy nhiên, cần nhiều thời gian nữa để có thể chắc chắn về một loại vaccine thực sự an toàn. Trong đó, ngoài việc phòng SARS-CoV-2, vaccine còn phải đảm bảo không có tác dụng phụ nguy hiểm.

"Nếu mọi chuyện thuận lợi, chúng ta sẽ có vaccine vào tháng 12 hoặc chậm nhất là tháng 1-2021” - TS Anthony Fauci, Trưởng khoa Dị ứng và bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, kỳ vọng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm