Sanofi Pháp nói Mỹ sẽ nhận vaccine trước, ông Macron bực mình

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bực mình vì Công ty dược phẩm Pháp Sanofi cho biết Mỹ sẽ là nước đầu tiên nhận được vaccine ngừa COVID-19 do công ty này phát triển và sản xuất, báo South China Morning Post đưa tin.

Lãnh đạo Pháp lên án việc Mỹ có đặc quyền nhận vaccine trước

Ngày 13-5, Giám đốc điều hành Sanofi - ông Paul Hudson trả lời hãng tin Bloomberg rằng Mỹ có quyền đặt hàng vaccine do Sanofi phát triển với số lượng lớn nhất vì Washington đã hợp tác với công ty này phát triển vaccine từ hồi tháng 2. Ông Hudson cho biết Mỹ cũng hy vọng sẽ là nước nhận được vaccine trước tiên. 

Logo và slogan của hãng dược Sanofi tại trụ sở công ty ở Paris, Pháp. Ảnh: BLOOMBERG

Ngày 14-5, một quan chức chính phủ Pháp nói với Bloomberg rằng ông Macron đã "bực mình" khi nghe được thông tin này.

Vaccine ngừa COVID-19 phải là "một sản phẩm chung" và không được gắn việc vaccine với các "quy luật thị trường", vị quan chức này nói.

Trước đó, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cũng phản đối tuyên bố của ông Hudson. Thủ tướng Pháp viết trên Twitter rằng "khả năng tiếp cận vaccine bình đẳng giữa tất cả mọi người là điều không cần bàn cãi".

Ông Philippe cho biết thêm ông đã nói chuyện với người đứng đầu Sanofi - ông Serge Weinberg và ông Weinberg đã cam đoan về việc phân phối vaccine ở Pháp.

Trước đó, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Agnes Pannier-Runacher là người đầu tiên lên án phát biểu của đại diện Sanofi. Bà Pannier-Runacher cho rằng những gì ông Hudson nói là "không bình thường".

Người dân toàn thế giới cần được quyền công bằng về vaccine

Ngày 14-5, hơn 140 chuyên gia và lãnh đạo các nước đã ký vào một thư ngỏ của Nhóm phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) và tổ chức từ thiện Oxfam, kêu gọi vaccine ngừa COVID-19 phải được phân phối miễn phí cho tất cả mọi người như một loại "vaccine cho mọi người". 

Logo dùng trong thư ngỏ "Vaccine cho mọi người" của UNAIDS và Oxfam. Ảnh: UNAIDS

Các chuyên gia y tế lo ngại các quốc gia không đủ tiềm lực tài chính để mua vaccine có thể bị loại ra khỏi cuộc tranh giành vaccine ngừa COVID-19 khiến họ dễ bị tổn thương hơn, chịu thiệt hại nặng nề hơn cả về người và của.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa - một người ký tên vào thư ngỏ - cho rằng "không ai nên bị đẩy lại phía sau trong hàng dài chờ đợi vaccine chỉ vì nơi họ đang sống hay số tiền họ kiếm được".

Giám đốc Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực tây Thái Bình Dương - ông Takeshi Kasai cho rằng vaccine là "sản phẩm của cộng đồng toàn cầu, thuộc về tất cả mọi người trên khắp thế giới".

Liên minh châu Âu (EU) cũng cho biết mục tiêu của họ là đảm bảo người dân trên toàn thế giới có thể tiếp cận được các loại vaccine này theo cách "công bằng và phổ thông".

Ngay cả Bộ trưởng Kinh tế Pháp Pannier-Runacher cũng cho rằng "không thể chấp nhận việc một nước này hay nước kia có đặc quyền tiếp cận (vaccine ngừa COVID-19 - PV) vì lý do tiền bạc".

Hiện nay, có tám loại vaccine đang được thử nghiệm lâm sàng, bao gồm bốn loại ở Trung Quốc, hai loại ở Mỹ, một loại ở Anh và một loại ở Đức. Hàng chục vaccine khác đang được các nhóm nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới tiến hành thử nghiệm tiền lâm sàng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm