Ngày 11-8, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết loại vaccine COVID-19 tên Sputnik V do Viện Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh vật Gamaleya phát triển đã được Bộ Y tế Nga chứng nhận cho phép đưa vào sản xuất hàng loạt. Ông khẳng định vaccine này an toàn đồng thời cho biết con gái ông đã được tiêm thử và chỉ bị sốt nhẹ.
"Tôi tin chắc rằng loại vaccine này sẽ hoạt động khá hiệu quả, hình thành khả năng miễn dịch mạnh mẽ. Tôi nhắc lại một lần nữa, loại vaccine ấy đã vượt qua tất cả các bài kiểm tra cần thiết" - ông Putin nói trên đài truyền hình nhà nước.
Các mẫu vaccine ngừa COVID-19 do Viện Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh vật Gamaleya phát triển ở Moscow, Nga ngày 6-8. Ảnh: REUTERS
Việc Nga thông báo chứng nhận vaccine COVID-19 tên Sputnik V sau chưa đầy hai tháng thử nghiệm trên người đã khiến nhiều nhà khoa học và chuyên gia y tế toàn cầu lo ngại. Theo các chuyên gia này, họ khó tin tưởng vaccine Sputnik V khi chưa được cung cấp dữ liệu thử nghiệm.
Thực tế Nga vẫn chưa thực hiện thử nghiệm trên người quy mô lớn để kiểm chứng xem liệu vaccine mình phát triển có hiệu quả hay không.
Đây là điều mà nhiều nhà khoa học và chuyên gia bệnh truyền nhiễm trên khắp thế giới tin rằng là một bước đi “liều lĩnh”, theo hãng tin Reuters.
Ông Peter Kremsner - một chuyên gia tại Đại học Y của nước Đức - người đang tiến hành các thử nghiệm lâm sàng đối với ứng cử viên vaccine từ Đức cho biết Nga đang có một nước đi "liều lĩnh".
“Thông thường, bạn cần một số lượng lớn tình nguyện viên thử nghiệm trước khi phê duyệt vaccine. Tôi nghĩ nước Nga đang rất liều lĩnh khi phê duyệt loại vaccine chưa được kiểm tra với quy mô lớn” - ông Kremsner khẳng định.
Theo bà Ayfer Ali, chuyên gia nghiên cứu về dược phẩm tại đại Học Warwick (Anh), “về cơ bản, Nga cần phải tiến hành một cuộc thử nghiệm ở quy mô dân số lớn”.
Bà Ali cho biết việc chứng nhận vaccine quá nhanh như vậy đồng nghĩa với việc Nga có thể chưa loại bỏ được các tác dụng phụ tiềm ẩn của vaccine.
Bà cảnh báo rằng việc ẩn giấu tác dụng phụ tuy hiếm gặp nhưng lại có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng, Reuters đưa tin.
Các mẫu vaccine ngừa COVID-19 do Viện Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh vật Gamaleya phát triển ở Moscow, Nga ngày 6-8. Ảnh: REUTERS
Chuyên gia Francois Balloux tại Viện Di truyền học thuộc Đại học London khẳng định đây là “một quyết định liều lĩnh và ngu ngốc”.
“Việc tiêm chủng hàng loạt với loại vaccine chưa được thử nghiệm đúng đắn là một hành động phi đạo đức. Bất kỳ vấn đề nào xảy ra với chiến dịch tiêm chủng của Nga đều sẽ là thảm họa, không chỉ về tác động tiêu cực của nó đối với sức khỏe con người mà còn khiến việc tìm ra loại vaccine phù hợp trở nên khó khăn hơn” - ông Balloux nói.
Giáo sư về Miễn dịch học tại Đại học Hoàng gia London Danny Altmann cũng đồng tình với ý kiến trên khi cho rằng việc triển khai loại vaccine chưa biết có an toàn và hiệu quả hay không “sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề hiện tại”.
Một nhà khoa học chuẩn bị mẫu thí nghiệm trong quá trình nghiên cứu và phát triển vaccine ngừa COVID-19 tại phòng thí nghiệm ở Saint Petersburg, Nga vào ngày 11-6. Ảnh: REUTERS
Theo các chuyên gia, việc thiếu dữ liệu về loại vaccine của Nga, bao gồm cách sản xuất, thông tin chi tiết về độ an toàn, phản ứng miễn dịch và khả năng ngăn ngừa nhiễm COVID-19 đã khiến các nhà khoa học, cơ quan y tế và người dân trên toàn thế giới hoang mang.
Chuyên gia về dịch tễ học và các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Nottingham của Anh - ông Keith Neal nói: “Không thể biết liệu vaccine của Nga có được chứng minh là hiệu quả hay không nếu không cung cấp đủ các tài liệu khoa học để phân tích”.
Vẫn còn hơn nửa tá nhà sản xuất dược phẩm trên khắp thế giới đang trong quá trình tiến hành các cuộc thử nghiệm loại vaccine ngừa COVID-19 của họ, với quy mô lớn cùng hàng chục nghìn người tình nguyện tham gia.
Tất cả dự kiến sẽ sớm công bố kết quả thử nghiệm, dữ liệu về độ an toàn của loại vaccine sau đó gửi chúng cho các cơ quan quản lý ở Mỹ, Châu Âu và các nơi khác để giám sát trước khi được cấp giấy phép, theo Reuters.