Loạn xây dựng trái phép ở Quy Nhơn

(PLO)- Chỉ riêng trong năm 2022, trên địa bàn TP Quy Nhơn đã có 567 công trình xây dựng trái phép, không phép và vi phạm khác.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong thời gian qua, tình trạng xây dựng trái phép diễn ra ở nhiều địa phương tại tỉnh Bình Định, trong đó tập trung nhiều nhất ở TP Quy Nhơn. Trong khi loạt công trình xây dựng cũ chưa xử lý xong nay lại tiếp tục mọc thêm các công trình mới vi phạm.

Chỉ riêng trong năm 2022, trên địa bàn TP Quy Nhơn có gần 600 công trình xây dựng trái phép, sai phép. Ảnh: QN

Chỉ riêng trong năm 2022, trên địa bàn TP Quy Nhơn có gần 600 công trình xây dựng trái phép, sai phép. Ảnh: QN

Nhà ở, khu du lịch mọc lên như nấm

Trong vai một khách du lịch, chúng tôi đã vào cuộc tìm hiểu thực trạng xây dựng trái phép diễn ra ngang nhiên trên địa bàn TP Quy Nhơn trong những năm vừa qua.

Phường Ghềnh Ráng và phường Quang Trung là hai địa phương có số lượng công trình xây dựng trái phép nổi cộm. Từ Quốc lộ 1D, ngược về phía núi Vũng Chua (khu vực 1, phường Ghềnh Ráng), chúng tôi thấy một cổng chào, phía trên có ghi dòng chữ lớn “Hoa Quả Sơn”, cách đó không xa là “khu du lịch” Đá Ông Tơ. Tại đây có ba công trình kiên cố được xây dựng trái phép, bên trong khu vườn bưởi có nhiều chòi dựng lên để phục vụ ăn uống cho khách du lịch. Chủ nhân vẫn đang tiếp tục cho xây thêm các công trình phụ trợ khác.

Trao đổi với PV, ông Võ Chí Thiện, Chủ tịch UBND phường Ghềnh Ráng, cho biết các công trình xây dựng trong hai khu du lịch này đều mang tính tự phát, phường sẽ kiểm tra và thông tin sau.

Tương tự, tại khu vực thung lũng Quy Hòa (khu vực 2, phường Ghềnh Ráng) có ít nhất 30 công trình xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp được quy hoạch dự án, trong đó có đến 11 căn nhà kiên cố.

Trước đó, hồi tháng 11-2022, UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu UBND TP Quy Nhơn xác minh, xử lý dứt điểm tình trạng hàng quán xây dựng trái phép trên Quốc lộ 1D. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, tại đây vẫn có những hàng quán mới mọc lên bất chấp dư luận.

Ông Huỳnh Văn Trung, Bí thư phường Ghềnh Ráng, thừa nhận để xảy ra tình trạng như trên một phần là trách nhiệm của lãnh đạo địa phương trong công tác quản lý.

Các trường hợp xây dựng trái phép, sai phép phần lớn là trên đất lấn chiếm, chủ yếu ở các xã, phường vùng ven của TP.

Một TP gánh gần 600 công trình sai phép

Hiện tượng xây dựng trái phép không chỉ dừng lại ở phường Ghềnh Ráng mà hầu hết các phường tại TP Quy Nhơn đều có tình trạng tương tự.

Đầu tháng 3, ghi nhận tại khu vực 5, phường Quang Trung có hàng loạt căn nhà xây dựng trái phép tại khu vực núi Suối Trầu. Trong đó có những căn quy mô, bề thế tồn tại suốt nhiều năm mà chưa bị xử lý. Các ngôi nhà trên núi có đường đi được đổ bê tông sạch đẹp, không khác gì một khu dân cư được quy hoạch bài bản.

Trả lời về vấn đề này, ông Đoàn Công Bình, Đội trưởng Đội Trật tự đô thị TP Quy Nhơn, cho biết: “Hầu hết công trình xây dựng trái phép trong năm 2022 chúng tôi đã xử lý xong. Nếu có công trình mới là cưỡng chế ngay. Còn những công trình có trước khi ban hành Văn bản 711 (năm 2019) của TP thì giao cho UBND phường tiếp tục lập hồ sơ cưỡng chế. Do có nhiều trường hợp nên việc cưỡng chế cần có thời gian để làm tuần tự” - ông Bình nói.

Theo số liệu của Đội Trật tự đô thị TP Quy Nhơn, năm 2022 trên địa bàn TP có 567 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng. Trong đó, TP Quy Nhơn lập biên bản xử lý 249 trường hợp, còn lại các UBND xã, phường xử lý. Trong 249 trường hợp trên, TP chỉ mới ra quyết định xử phạt hành chính 198 trường hợp, trong đó có 158 người nộp phạt.

Theo ông Bình, có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng xây dựng trái phép. Một là một số người có thu nhập thấp vì ham giá rẻ nên bị lừa mua đất không được phép xây dựng, sau đó đành phải xây trái phép để ở. Hai là nhiều cò đất lợi dụng nhu cầu đất ở của người dân nên đã mua đất diện tích lớn rồi tự ý phân lô, bán nền.

Thời gian qua, UBND tỉnh Bình Định và TP Quy Nhơn đã có nhiều văn bản chỉ đạo xử lý kiên quyết tình trạng xây dựng trái phép trên địa bàn TP.

“Hiện nay, chúng tôi đã đề xuất lắp đặt camera tại các khu vực có nguy cơ xảy ra xây dựng trái phép để dễ giám sát. Bên cạnh đó, Thành ủy TP Quy Nhơn cũng có chủ trương giao cho các đơn vị cắm mốc tại khu vực núi Vũng Chua, Bà Hòa… Nếu có công trình trái phép mọc sau mốc thì lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm” - ông Bình nói.•

Sẽ tổ chức hội nghị quán triệt công tác quản lý trật tự xây dựng

Ông Đặng Thành Trưng, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Định, thông tin năm 2022 trên địa bàn toàn tỉnh có 626 trường hợp xây dựng trái phép, trong đó hầu hết ở TP Quy Nhơn với 567 trường hợp. “Cơ quan chức năng đã ra 255 quyết định xử phạt hành chính, trong đó 177 trường hợp chấp hành. Gần như chưa ban hành quyết định cưỡng chế nào. Các trường hợp xây dựng trái phép, sai phép phần lớn là trên đất lấn chiếm, chủ yếu ở các xã, phường vùng ven của TP” - ông Trưng thông tin.

Cũng theo Chánh Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Định, hiện nay trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng đã được phân cấp về cho các địa phương. Do đó, trách nhiệm chính trong việc để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng thuộc về chính quyền cấp xã.

“Thời gian qua, Thanh tra sở cũng luôn đôn đốc, nhắc nhở các địa phương trong quá trình xử lý các trường hợp xây dựng trái phép, không phép. Nếu cấp xã, phường chậm xử lý, Sở Xây dựng sẽ có văn bản gửi cấp huyện, TP để đôn đốc. Nếu cấp này chậm xử lý, khắc phục thì sở sẽ làm văn bản báo cáo cấp tỉnh. Sở đang tham mưu UBND tỉnh sắp tới tổ chức hội nghị quán triệt công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh” - ông Trưng cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm