Loạt công trình về đích chào mừng Quốc khánh 2-9

(PLO)- Diện mạo giao thông TP.HCM có nhiều thay đổi trong tháng 9 khi hàng loạt công trình, dự án trọng điểm bắt đầu hoàn thành, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân TP.HCM.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Từ những dự án gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng kéo dài nhiều năm, chủ đầu tư và chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực để sớm khắc phục mọi khó khăn, đưa dự án về đích đúng kế hoạch. Theo đó, hàng loạt dự án được TP.HCM đưa vào sử dụng trong tháng 9 để chào mừng kỷ niệm lễ Quốc khánh 2-9.

Phía nam: Hầm chui, cầu đường được thông xe

Sáng 30-8, UBND huyện Nhà Bè, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Nhà Bè đã tổ chức lễ thông xe cầu bắc qua kênh Cây Khô (cầu Cây Khô) trên địa bàn xã Phước Lộc.

Tại buổi lễ, ông Lê Minh Trí, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Nhà Bè, thông tin dự án xây dựng cầu bắc qua kênh Cây Khô được xây dựng mới cầu bê tông cốt thép, dài 485 m, gồm 11 nhịp, bề rộng mặt đường 12,5 m với hai làn ô tô và hai làn xe thô sơ.

loạt công trình chào mừng 2-9
Cầu bắc qua kênh Cây Khô (huyện Nhà Bè, TP.HCM) chính thức thông xe vào ngày 30-8. Ảnh: NHƯ NGỌC

Phần đường dẫn hai đầu cầu dài 292 m, rộng 12,5 m và đường dân sinh hai bên cầu dài 540 m, đường mỗi bên rộng 7,5 m. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 509 tỉ đồng, vốn đầu tư ngân sách TP.

Theo ông Trí, quá trình triển khai thi công, giai đoạn đầu gặp không ít khó khăn như vướng mặt bằng, ảnh hưởng của dịch COVID 19. Tuy nhiên, được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp lãnh đạo TP, UBND huyện và sự nỗ lực của các đơn vị, dự án đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Ông Triệu Đỗ Hồng Phước, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, nhìn nhận dự án cầu Cây Khô là công trình trọng điểm, động lực đối với huyện, rút ngắn quãng đường 10 km xuống còn 500 m, hết cảnh người dân qua sông phải lụy đò. Công trình còn đánh dấu bước phát triển hệ thống giao thông đường bộ cơ bản được thông suốt, không còn bị chia cắt.

Đây là cây cầu có chiều dài dài nhất trên địa bàn huyện Nhà Bè kết nối bờ đông và bờ tây của kênh Cây Khô. Đồng thời, cầu kết nối đường Nguyễn Bình với đường Phạm Hùng, mở ra cơ hội kết nối giữa huyện Nhà Bè với cửa ngõ phía tây của TP (quận 8, huyện Bình Chánh) và tỉnh Long An. Qua đó, tạo cơ hội kết nối liên vùng, tăng cường việc giao thương, vận chuyển hàng hóa, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội huyện Nhà Bè.

30-p12-bai-h2-viethoa.jpg
Dự kiến cầu Nam Lý (TP Thủ Đức, TP.HCM) sẽ hoàn thành vào ngày 15-9. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Cũng ở phía nam TP.HCM, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban giao thông) cũng đưa vào sử dụng một nhánh hầm chui Nguyễn Văn Linh, góp phần giải quyết ùn ứ trên tuyến đường huyết mạch này. Ban giao thông cũng tiếp tục đẩy nhanh nhánh hầm chui HC1 để có thể tiếp tục thông xe vào tháng 12, đưa toàn bộ dự án hoàn thành.

Phía đông TP.HCM rộng mở nhờ loạt dự án

Ban giao thông cho biết trong tháng 9, khu vực phía đông TP sẽ tiến hành thông xe dự án xây dựng cầu Nam Lý (ngày 15-9), một đơn nguyên cầu Ông Bồn, hoàn thành gói thầu xây dựng cầu Giồng Ông Tố 2, thuộc dự án xây dựng nút giao An Phú.

Hiện nay, cầu Nam Lý đang được chủ đầu tư và nhà thầu tất bật triển khai những hạng mục cuối cùng trước khi đưa vào sử dụng. Sau khi thông xe trên cầu, các đơn vị sẽ tiếp tục thi công, hoàn thiện các đường gom dân sinh bên trái và bên phải tuyến để hoàn thành toàn bộ công trình trong tháng 12.

Có thể nói cùng với việc hỗ trợ triển khai các dự án xây dựng Đại lộ Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, đường hầm vượt sông Sài Gòn và các dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM sẽ trở thành một lưu vực hội tụ những dự án, công trình biểu trưng cho tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, cho mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa JICA và TP.HCM và giữa nhân dân hai nước.

Ông LƯƠNG MINH PHÚC, Giám đốc Ban giao thông

Đây là dự án được khởi công vào năm 2016, đến tháng 3-2019 phải tạm dừng vì không có mặt bằng để tiếp tục triển khai. Dự án phải tới tháng 3-2023 mới được tiếp tục bàn giao mặt bằng, tái khởi động. Dự án cầu Nam Lý nằm trên đường Đỗ Xuân Hợp, có mật độ phương tiện giao thông rất lớn, thường xuyên ùn ứ vào giờ cao điểm và thấp điểm.

Hơn hết, cầu cống đập Rạch Chiếc có tĩnh không thấp nên khó khăn cho các phương tiện giao thông thủy di chuyển. Theo đó, việc sớm hoàn thành dự án cầu Nam Lý sẽ góp phần giải quyết tình trạng ùn ứ hiện nay, đồng thời tạo điều kiện cho phát triển giao thông thủy.

Trong tháng 9, Ban giao thông cũng tiến hành thông xe một đơn nguyên công trình xây dựng cầu Ông Bồn, đây là dự án nằm trên đường Bưng Ông Thoàn cũng phải trễ hẹn nhiều năm do vướng mặt bằng. Cầu Ông Bồn kết nối với đường Nguyễn Duy Trinh qua các đường Liên Phường, Võ Chí Công, Khu công nghệ cao vào đường Dương Đình Hội nên có mật độ phương tiện lưu thông lớn.

Cũng tại phía đông TP.HCM, dự án xây dựng nút giao An Phú (TP Thủ Đức) đã chính thức kết nối với hai nhánh cầu vượt trên nút giao này. Như vậy đến tháng 10-2025 sẽ kết nối đồng bộ với dự án, giảm thiểu ùn ứ cho các phương tiện. Tương tự, cầu Bà Dạt ở nút giao An Phú cũng đang tiến hành thảm nhựa dự án và chờ kết nối với dự án.

Hoàn thành “siêu dự án” trải dài sáu quận, huyện

Dịp này, Ban giao thông cũng khánh thành Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (giai đoạn 2) vào ngày cuối cùng của tháng 8. Đây là một trong nhóm dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM, giai đoạn 2.

Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban giao thông, dự án này có ý nghĩa quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa, giải quyết tình trạng ngập tại các điểm ngập trong lưu vực. Đồng thời nạo vét, cải tạo các tuyến kênh Tàu Hủ, Bến Nghé, kênh Ngang số 1, 2, 3 và một phần kênh Hàng Bàng.

Dự án cũng thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt trong lưu vực; nâng công suất trạm bơm Đồng Điền và Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng từ 141.000 m3/ngày đêm của giai đoạn 1 lên 469.000 m3/ngày đêm.

Dự án cải thiện môi trường nước TP (giai đoạn 2) có nhiều ý nghĩa quan trọng và nhiều điểm đặc biệt. Theo đó, dự án có quy mô và khối lượng thi công, các hạng mục công trình rất lớn, địa bàn thi công trải dài qua địa bàn sáu quận, huyện với tổng diện tích lưu vực hơn 2.500 ha, dân số khoảng 1,8 triệu người.

Dự án đã triển khai trên nhiều tuyến đường có mật độ giao thông cao, nhiều khu vực liên tục bị ảnh hưởng của triều cường, nền đất yếu, địa chất phức tạp, thông tin về hệ thống công trình ngầm không đầy đủ và chưa chính xác...

Đối với dự án này, TP.HCM đã dành riêng một cù lao biệt lập với tổng diện tích 42 ha để xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng giai đoạn 1, giai đoạn 2 và giai đoạn hoàn thiện phục vụ cho lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ. Đây là lưu vực thoát nước trung tâm TP với tổng diện tích khoảng 5.000 ha, dân số khoảng 3,6 triệu người.

Đến nay sau gần 20 năm triển khai, từ một cù lao sình lầy, lau sậy đã trở thành một khu xử lý nước thải hiện đại với công suất xử lý nước thải 469.000 m3/ngày đêm, lớn nhất cả nước.

Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng không chỉ có chức năng xử lý nước thải đơn thuần mà đã được quy hoạch, xây dựng thành một “điểm đến xanh” với hàng chục hecta cây xanh, phòng thí nghiệm hệ thống quan trắc. Đây cũng là một điểm học tập, đào tạo, tham quan, giáo dục môi trường cho người dân TP, đặc biệt là những công dân trẻ.

Theo ông Lương Minh Phúc, trong 12 lưu vực thoát nước thải của TP.HCM, lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ là lưu vực duy nhất được Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và chính phủ Nhật Bản hỗ trợ nguồn vốn vay ODA để lần lượt triển khai ba dự án.

Cụ thể là dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM giai đoạn 1, giai đoạn 2 (đã thực hiện) và giai đoạn 3 (sẽ triển khai từ năm 2025 đến 2030). Các dự án nhằm xử lý triệt để toàn bộ lượng nước thải sinh hoạt trong toàn lưu vực, trả lại màu xanh cho các tuyến kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ. Đồng thời cải thiện tình trạng ngập nước, chỉnh trang đô thị, nâng cao chất lượng sống cho khoảng 3,4 triệu dân trên địa bàn sáu quận, huyện.

Thông xe đường Tên Lửa trong tháng 9

Trong tháng 9, Ban giao thông cũng tiến hành thông xe đường Tên Lửa. Đây là một trong những công trình được Ban giao thông và các nhà thầu đặt mục tiêu để đưa các dự án giao thông về đích chào mừng ngày Quốc khánh 2-9.

Việc nâng cấp, mở rộng đường Tên Lửa sẽ góp phần cải tạo hệ thống giao thông trong khu vực, hoàn thiện cơ sở hạ tầng theo quy hoạch. Đồng thời góp phần chỉnh trang đô thị, hoàn chỉnh tuyến đường trục chính Tên Lửa kết nối từ đường Kinh Dương Vương đến Tỉnh lộ 10.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm