Chính vì vậy, sự xuất hiện trước QH của lãnh đạo ba ngành tố tụng trung ương - công an, tòa án, VKS - đem lại hy vọng về những giải pháp hiệu quả, mang lại niềm tin vào công lý cho những người vô phúc đáo tụng đình.
Trong sự xuất hiện ấy, nổi bật lên lời nhận lỗi chân thành của Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Xuất thân từ ngành công an, lên hàm tướng, luân chuyển về địa phương làm công tác Đảng, giờ phụ trách mắt xích giữa của tố tụng hình sự, ông Bình hiểu rõ trách nhiệm của ngành mình: “Dẫu còn một vụ án oan, chúng tôi cũng đau như người dân. Do vậy, thay mặt lãnh đạo ngành, tôi xin lỗi người bị oan và gia đình họ”.
Nổ bùng lên thời gian qua là vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn, vụ bảy thanh niên ở Sóc Trăng bị bức cung, nhục hình, ép phải nhận tội mà mình không hề liên quan, vụ nhục hình nghiêm trọng ở Bắc Giang... Trong những án oan ấy, phần nhiều là xảy ra từ những năm trước, giờ lãnh đạo đương nhiệm phải giải quyết hậu quả. Đúng như ông Bình chia sẻ: “Chúng tôi biết rằng làm hàng chục ngàn vụ án chưa chắc đã có thành tích nhưng chỉ cần một vụ oan, sai là thành khuyết điểm”.
Trong tố tụng hình sự, ai cũng hiểu ngành kiểm sát ở vị trí khó xử. Sức mạnh tập trung chủ yếu ở cơ quan điều tra, còn VKS chỉ thực hiện kiểm sát điều tra, truy tố và buộc tội trước tòa. Ở thế “chênh vênh” ấy, oan, sai xảy ra, dù ở khâu nào cũng có phần lỗi của VKS. Vậy nên, sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự lần này là cơ hội để ngành kiểm sát gỡ bí cho chính mình.
Hàng loạt giải pháp đã được VKSND Tối cao - cơ quan chủ trì soạn thảo - đề xuất và bảo vệ. Đó là ghi âm, ghi hình việc hỏi cung, là đưa vào luật điều khoản quyền im lặng, là các cơ chế để đảm bảo luật sư có thể tham gia hiệu quả hơn ngay từ đầu quá trình tố tụng...
Những giải pháp ấy được ông Bình nêu ra trên diễn đàn QH như là những đề xuất để khắc phục những bất cập, yếu kém của tư pháp hình sự hiện nay. Nhưng quan trọng hơn cả là cần ở QH một áp lực để các cơ quan tư pháp vượt lên để thay đổi lề lối làm việc cũ, lạc hậu của chính mình.