Từ đầu tháng 6 đến nay, giá rau một số loại rau màu giảm mạnh, bà con nông dân ở huyện Cần Giuộc (Long An) ngậm ngùi bỏ mặc không thu hoạch, để rau lụi tàn vì giá bán sau thu hoạch không đủ tiền thuê nhân công.
Những ngày gần đây, ông Hồ Văn Đức (Ấp Lộc Trung, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc) không ra đồng thu hoạch rau bán vì giá rau giảm mạnh. Gia đình ông trồng khoảng 3.000m2 cải xanh nhưng thương lái trả giá dưới 3.000 đồng/kg. Với giá này, người trồng không có lãi, trung bình mỗi công thiệt hại hàng triệu đồng.
Ông Đức buồn rầu: “Rau cải thời gian này trồng đạt năng suất, tuy nhiên giá cả thì không cao, thu hoạch như thế này người nông dân lỗ nhưng phải ráng trồng, vì bà con ở đây chủ yếu làm nghề rau”.
Tương tự, gần ba công dưa gang của gia đình ông Nguyễn Tấn Sơn cùng địa phương, thương lái cũng không tới mua. Việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn, trong khi đó, giá phân bón, vật tư, hạt giống không ngừng tăng.
“Thời tiết phức tạp, nắng hạn kéo dài, sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn về vật tư, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao, đầu ra sản phẩm rau cải, dưa giá bấp bênh. Chúng tôi mong chính quyền địa phương, các ngành chức tạo điều kiện hỗ trợ nông dân có đầu ra ổn định hơn”, ông Sơn kiến nghị.
Theo ghi nhận của PLO, năm nay, thời tiết thuận lợi, các loại rau màu phát triển mạnh, năng suất cao hơn năm trước, nguồn cung vượt cầu, trong khi thị trường tiêu thụ chững lại nên rau rớt giá.
Anh Lê Hoài Nam – Chủ tịch Hội nông dân xã Mỹ Lộc cho biết: Thời gian qua, Hội Nông dân đã tuyên truyền cho nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chọn các loại cây, loại rau phù hợp với thị trường, định hướng tránh được tình trạng được mùa mất giá.
Hiện nay, huyện Cần Giuộc có 1.325ha rau, chủ yếu tập trung ở xã Mỹ Lộc, Phước Hậu, Phước Lâm, Thuận Thành, Long Thượng và Phước Lý sản lượng trồng rau đạt 68.500 tấn trên năm.
Ngành nông nghiệp huyện đang hướng nông dân thay đổi tập quán canh tác, nhất là ý thức sử dụng phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học, sử dụng nhà màng, nhà lưới cũng như đa dạng chủng loại cây trồng. Sản phẩm làm ra có chất lượng hơn, được thị trường chấp nhận.
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cao chỉ dừng ở mức độ nông hộ nên phạm vi ứng dụng còn hẹp. Công tác quản lý nhà nước đối với sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp còn nhiều khó khăn, bất cập, nhất là phân bón.
Một số hợp tác xã, hoạt động chưa thật sự hiệu quả; chưa hình thành chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm.