Liên quan đến vụ luật sư Trần Vũ Hải bị khởi tố về tội trốn thuế, một nguồn tin từ Cục Bổ trợ Tư pháp, cơ quan quản lý về nghề luật sư, cho biết pháp luật hiện tại chỉ quy định việc tước thẻ luật sư với trường hợp người đó bị tòa án tuyên là có tội và bản án có hiệu lực pháp luật.
"Trường hợp mới bị khởi tố như thế này thì luật không quy định cụ thể. Tuy nhiên, một số đoàn luật sư, khi gặp phải trường hợp tương tự thì ra quyết định tạm đình chỉ nghề luật sư", nguồn tin cho biết.
Luật sư Trần Vũ Hải bị khởi tố về tội trốn thuế.
Một vấn đề cũng được nhiều người quan tâm, đó là sau khi bị khởi tố, các hợp đồng do ông Trần Vũ Hải ký kết với thân chủ sẽ giải quyết như thế nào?
Trả lời về câu hỏi này, một luật sư thuộc Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng luật sư hành nghề (được cấp phép) dưới hai hình thức: văn phòng luật sư hoặc tư cách cá nhân.
Đối với trường hợp của ông Hải, luật sư này có văn phòng riêng. Do đó, các hợp đồng giữa thân chủ được ký kết là với văn phòng luật sư, ông Hải ký với tư cách là trưởng văn phòng.
Nếu trong hợp đồng đó có ông Hải tham gia vụ việc, khi bị khởi tố, văn phòng phải thỏa thuận và bố trí một luật sư khác để tiếp tục thực hiện nghĩa vụ với thân chủ.
Đối với trường hợp hành nghề theo tư cách cá nhân, nếu bị khởi tố, đương nhiên nghĩa vụ giữa luật sư với thân chủ sẽ chấm dứt. Luật sư đó phải hoàn trả lại các khoản phí theo hợp đồng đã ký kết với thân chủ.
Nói thêm về việc Đoàn luật sư TP Hà Nội sẽ xử lý như thế nào khi ông Trần Vũ Hải bị khởi tố như vậy, vị luật sư này cho rằng một người chỉ có tội khi tòa tuyên. Do đó, phải sau khi bản án có hiệu lực kết luận ông Hải có tội, Đoàn luật sư mới xem xét quy trình kỷ luật theo quy định.
“Hiện giờ mới chỉ khởi tố bị can, chưa rõ sai phạm của luật sư Hải ra sao, cũng chưa kết luận ông có tội hay không...” – vị này nêu quan điểm.