Rằng thì là không phải QH không muốn xử phạt người lái xe uống rượu bia mà là luật hiện hành đã có quy định xử lý việc này…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết vì muốn thu hút các quy định có liên quan vào dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia nhưng do có nhiều ý kiến khác nhau nên Quốc hội đã tổ chức biểu quyết để tiếp tục hoàn thiện dự luật.
Chi tiết hơn, khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 đã cấm “điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/lít khí thở”. Khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004 cũng đưa ra các giới hạn về nồng độ cồn trong máu...
Nay với dự luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, Chính phủ cũng muốn có cả các cấm đoán đại loại như thế. Chiều 3-6, hai phương án được đưa ra lấy ý kiến biểu quyết vừa có cấm tiệt vừa có cấm một phần. Ngặt nỗi phương án 1 chỉ được gần 50% số đại biểu đồng ý (dù được lấy ý kiến tới hai lần do lần đầu nhiều đại biểu không nghe rõ nội dung); phương án 2 cũng có tỉ lệ đồng ý tương tự. Với tỉ lệ này, nếu không có thay đổi nào khác, có thể dự luật được Quốc hội xem xét thông qua tới đây sẽ không có quy định cấm đoán nào dành cho người lái xe có uống rượu bia.
Tất nhiên, dù dự luật không đề cập đến nhưng với quy định hiện nay của các luật giao thông (và Nghị định 46/2016…) thì người lái xe có hơi men vẫn phải chịu các mức chế tài phù hợp. Vấn đề là chuyện xem ra cũng đơn giản nhưng vì sao dư luận lại hiểu lầm là Quốc hội chưa đồng thuận cấm lái xe khi đã uống rượu bia? Lỗi từ cách giật tít của báo chí như ai đó đã nói? Hay chính xác hơn phải là từ phương thức xây dựng dự luật có khiếm khuyết khiến các đại biểu Quốc hội, nhà báo, người dân đã không thể hiểu đúng, hiểu ngay ý của nhau?
Theo ban soạn thảo dự luật, các văn bản pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu bia hiện còn tản mạn, chưa mang tính hệ thống, hiệu lực pháp lý thấp, chủ yếu là nghị định, thông tư, chỉ thị. Hậu quả là có sự chồng chéo, thiếu đồng bộ, khó thống nhất trong tổ chức thực thi… từ đó, dự luật mong muốn điều chỉnh các tác hại của rượu bia trong nhiều lĩnh vực, không chỉ đối với sức khỏe mà còn đối với kinh tế, xã hội.
Theo đó, nội dung của dự luật vừa có những quy định hoàn toàn mới, vừa có những quy định được tạo dựng, nâng cấp trên các văn bản hiện hành. Đơn cử, trong ba nội dung cần xin ý kiến đại biểu vào chiều 3-6 thì có hai nội dung rất mới (thời gian bán rượu bia để tiêu dùng tại chỗ; khung thời gian không được quảng cáo rượu bia trên báo nói, báo hình). Còn nội dung liên quan đến việc uống rượu bia của người điều khiển phương tiện giao thông thì đã có từ lâu trong các luật giao thông.
Điều đáng nói là suốt một thời gian dài ban soạn thảo đã không có sự lưu ý cần thiết về những cấm đoán đang có trong các luật giao thông đó. Khi muốn tích hợp các quy định đó vào dự luật nhưng người đề nghị thế này, người mong mỏi thế khác, thay vì tổ chức biểu quyết trước về việc tích hợp đó rồi sau đó mới tính đến hai phương án cụ thể thì Quốc hội lại làm khác đi. Chưa kể là khi tổ chức biểu quyết, những người có thẩm quyền của Quốc hội cũng không thông tin về việc đã có luật hiện hành cùng mục đích bỏ phiếu để ai nấy đều tỏ tường.
Vậy là cả hai phương án đều không đạt quá bán và sự bán tín bán nghi của dư luận cũng từ đây mà ra!
Để không còn làm cho nhiều người hoang mang, bức xúc, báo chí sẽ phải có cách đưa tin đầy đủ. Quan trọng hơn, cơ quan soạn thảo luật lẫn những nhà lập pháp cũng cần phải rút kinh nghiệm trong việc cung cấp thông tin và cách thức làm luật nhằm tránh những hiểu lầm đáng tiếc như vừa rồi. Điều này luôn rất cần vì theo nhận định của Chính phủ thì các quy định phòng, chống tác hại của rượu bia hiện còn thưa thớt, rải rác nên người dân khó nhớ, ít thông.
Nội dung trong các dự thảo và 2 phương án biểu quyết Liên quan đến việc người lái xe có uống rượu bia, dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia lúc siết nhiều, lúc siết ít, lúc muốn giữ nguyên theo các luật giao thông. Có lúc dự luật yêu cầu người lái bất kỳ loại xe nào (ô tô hay xe gắn máy…) đều không được có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở. Có lúc dự luật chỉ cấm tiệt đối với người lái ô tô và tăng mức hạn chế đối với xe máy (nồng độ cồn giới hạn trong máu sẽ là 30 mg/100 ml máu hoặc 0,15 mg/lít khí thở). Hai phương án được đưa ra lấy ý kiến biểu quyết vào chiều 3-6 là: 1) Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn; 2) Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông. |