Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang đối mặt với các đợt tấn công dữ dội ở cả hai mặt trận Iraq và Syria. Tại Syria, lực lượng dân quân hỗ trợ bởi Mỹ, bao gồm hàng ngàn quân Ả Rập và người Kurd, đã liên tiếp tái chiếm nhiều ngôi làng có vị trí chiến lược gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Dân quân người Kurd pháo kích các cứ điểm của IS tại Syria. Ảnh: Reuters
Lực lượng này đã tiến hành một chiến dịch quy mô lớn, cắt đứt các tuyến đường nối vùng lãnh thổ của IS với thế giới bên ngoài. Tại Iraq, Thủ tướng Haider Abadi đã ra lệnh quân đội từng bước tiến công chiếm lại Falluja, cứ điểm của IS gần thủ đô Baghdad nhất.
Cả hai mặt trận đều nhận được sự hỗ trợ của liên quân do Mỹ dẫn đầu. Theo hãng tin Reuters, mặt trận tại Syria có sự hỗ trợ của các lực lượng đặc nhiệm Mỹ, giữ vai trò cố vấn trên trận địa. Ở mặt trận Iraq, liên quân tiến hành không kích hỗ trợ các đợt tiến công của liên quân Iraq và dân quân người Shiite. Hiện chưa có thông tin nào xác nhận các chiến dịch ở cả hai mặt trận có sự thống nhất về chỉ huy chiến lược.
Bàn đạp tiến quân tại Syria
Một quan chức quân sự Mỹ cho biết các chiến dịch ở vùng biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ là nhằm cắt đứt “cầu nối cuối cùng” giữa IS và châu Âu. Trong nhiều năm qua, IS đã sử dụng tuyến biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ là con đường tiếp nhận thêm tân binh và vũ khí, cũng như để gửi chiến binh thánh chiến sang châu Âu.
Sau nhiều đợt tiến quân của dân quân người Kurd và quân chính phủ Syria, chỉ còn một đoạn biên giới dài gần 80 km phía bắc thị trận Manbij là nhóm khủng bố có thể tiếp cận được. Hãng tin Reuters cho biết các đội đặc nhiệm Mỹ sẽ chỉ đóng vai trò cố vấn và sẽ không tham gia trực tiếp chiến đấu. Liên quân do Mỹ dẫn đầu cũng sẽ hỗ trợ không kích cho lực lượng tại Syria.
Liên quân Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) bao gồm phần đông là lực lượng dân quân người Kurd YDG. Ảnh: Reuters
Cuộc tiến quân bởi liên minh Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) đã đẩy lùi IS khỏi 16 ngôi làng nằm gần thị trấn Manbij. Liên quân giữa người Kurd và các chiến binh Ả Rập là lực lượng nhận được hỗ trợ nhiều nhất từ Mỹ. Sự hiện diện của các chiến binh Ả Rập là nhằm “xoa dịu” những lo ngại từ phía Thổ Nhĩ Kỳ, vốn xem người Kurd là kẻ thù. Theo hãng tin Reuters, chiến dịch tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là bàn đạp để liên quân tái chiếm TP Raqqa, “thủ phủ” của IS tại Syria.
Trận đánh lớn của Iraq
Falluja chính là tiền đồn đầu tiên của IS tại Iraq vào năm 2014, trước khi lực lượng này bành trướng một phần lớn diện tích phía bắc và phía tây Iraq. TTP này cũng là cứ điểm tập trung nhiều lực lượng phiến quân người Sunni, chống chính quyền người Shiite của Iraq và quân đội Mỹ.
Pháo binh Iraq nã pháo vào các cứ điểm IS trong TP Falluja. Ảnh: Reuters
Chiến dịch vây hãm, tái chiếm TP Falluja được đánh giá là trận một trong những trận đánh lớn nhất từ trước đến nay của chính quyền Iraq trước lực lượng khủng bố IS. Chiến dịch này có sự phối hợp của cả quân đội Iraq, chống lưng bởi Mỹ và lực lượng dân quân người Shiite, chống lưng bởi Iran.
Phát biểu tại trung tâm chỉ huy gần tiền tuyến, thủ tướng Iraq - ông Abadi khẳng định tính mạng dân thường là ưu tiên hàng đầu của chiến dịch. Ông cho biết: “Các đơn vị đang tập trung ở ngoại ô TP Falluja, Chiến thắng giờ đã trong tầm tay”.
Thủ tướng Haider al-Abadi đến trung tâm chỉ huy gần tiền tuyến TP Falluja. Ảnh: Reuters
Chiến dịch tái chiếm Falluja được Thủ tướng Abadi công bố cách đây 10 ngày. Hiện còn hơn 50.000 dân thường còn kẹt lại bên trong TP. Liên Hiệp Quốc cảnh báo IS đang bắt hàng trăm gia đình làm lá chắn sống. Trước sự chống cự quyết liệt của IS, quân đội Iraq trong hai ngày qua vẫn chưa thể tiến quân và giữ vị trí vùng ngoại ô phía nam TP, theo Reuters.
Falluja là tiền đồn gần thủ đô Baghdad nhất mà IS đang nắm giữ. Đây được cho là nơi IS tổ chức các đợt đánh bom tự sát nhắm vào Baghdad.