Lưu ý khi ăn hải sản để tránh ngộ độc

(PLO)- Có một số loại hải sản tự có chứa các chất có hại cho sức khỏe nếu ăn sống hoặc chế biến chưa chín có thể gây nên tình trạng dị ứng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hải sản là món ăn bổ dưỡng và được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, có những loại hải sản chứa một số độc tố gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Do đó, khi chọn mua, chế biến và dùng hải sản người dùng phải cẩn thận để tránh gây ngộ độc.

Nên chế biến hải đúng cách để tránh gây ngộ độc. Ảnh: NV

Nên chế biến hải đúng cách để tránh gây ngộ độc. Ảnh: NV

Ăn hải sản chế biến sai cách có thể gây ngộ độc

Theo TS Nguyễn Văn Chung, giảng viên khoa học dinh dưỡng và ẩm thực, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, hải sản có nguồn gốc từ biển nên các nguồn nhiễm bệnh từ hải sản có nguy cơ thấp hơn so với thủy sản nước ngọt.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều vùng biển có dấu hiệu bị ô nhiễm bởi hóa chất từ công nghiệp khai thác dầu mỏ, rác thải, nước thải công nghiệp, các hoạt động quân sự. Vì vậy, chúng ta không thể biết trước nguồn ô nhiễm hóa chất vào hải sản. Ở nhiều nước trên thế giới đều bắt buộc truy xuất nguồn gốc đánh bắt hải sản (tọa độ khai thác, loại hình khai thác, điều kiện bảo quản và vận chuyển vào bờ…).

Có một số loại hải sản tự có chứa các chất có hại cho sức khỏe nếu ăn sống hoặc chế biến chưa chín có thể gây nên tình trạng dị ứng, nôn ói, tiêu chảy. Điển hình, nếu ăn một số loại nghêu, sò chứa các vi sinh vật nguy hiểm như Salmonella, Vibrio, E.Coli, chúng có thể gây tiêu chảy cấp khi ăn sống hoặc chế biến chưa chín.

“Giai đoạn quan trọng nhất đối với hải sản sau khi đánh bắt là quá trình bảo quản và vận chuyển vào tiêu thụ trên bờ. Giai đoạn này hải sản dễ bị hư hỏng và nhiễm vi sinh vật nhất do điều kiện bảo quản và vận chuyển thủ công, không đảm bảo vệ sinh. Khi hải sản đã hư hỏng thì dù sau đó có được làm lạnh đông vẫn còn tồn tại bào tử vi sinh vật có hại, khi gặp nhiệt độ thường hoặc vào cơ thể người tiếp tục sinh trưởng trở lại gây ngộ độc cho người ăn sống hoặc chế biến chưa chín hải sản”- TS Nguyễn Văn Chung chia sẻ.

Phòng ngừa ngộ độc độc tố Tetrodotoxin khi ăn một số loại hải sản

Theo thông tin từ Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, những năm qua đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm khi ăn một số loại hải sản có chứa độc tố như cá nóc, ốc lạ, so biển… Cụ thể, tháng 4-2022 đã ghi nhận trường hợp ngộ độc độc tố Tetrodotoxin do ăn ruốc lỗ được cấp cứu tại bệnh viện Bãi Cháy thuộc tỉnh Quảng Ninh.

Tetrodotoxin được tìm thấy chủ yếu trong gan, cơ quan sinh dục của một số loài cá như: cá nóc, cá cầu, cá cóc; loài lưỡng cư như: ếch, cóc...; bạch tuộc vòng xanh…

Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, vài loại vi khuẩn biển có khả năng tổng hợp tetrodotoxin và chúng sống ký sinh trong một số động vật biển như: cá nóc, cá cầu… Đối với động vật trên cạn như ếch thì nguồn sản xuất tetrodotoxin là nội sinh.

Sau khi ăn phải những loại hải sản có chứa độc tố Tetrodotoxin khoảng từ 10 đến 45 phút, người bệnh có thể bị rối loạn cảm giác như tê môi, lưỡi, mặt, tay chân, nhức đầu, đau bụng, buồn nôn… Trường hợp ngộ độc nặng hơn có các dấu hiệu như liệt các cơ vận động, trụy tim mạch, cơ hô hấp, suy hô hấp, hôn mê, có thể tử vong.

Để phòng ngừa nguy cơ ngộ độc Tetrodotoxin từ hải sản, ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, khuyến cáo người tiêu dùng:

Không nên ăn các loại hải sản đã được các cơ quan quản lý khuyến cáo có độc tố nguy hiểm như: cá nóc, so biển, ốc bùn răng cưa, ốc mặt trăng, cua trứng hoa, mực đốm xanh…

Không nên sử dụng bất kỳ các loại hải sản độc này, hay các bộ phận bất kỳ của cơ thể chúng để chế biến thức ăn, do độc tố có ở da, gan, buồng trứng, trong cơ thịt và không bị phá hủy ở nhiệt độ cao.

Nên mua hải sản tại các cơ sở có thương hiệu, uy tín, hải sản bảo đảm còn tươi, không có mùi ươn thối và đáp ứng các quy định bảo quản an toàn thực phẩm…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm