Tổng Công ty quản lý bay Việt Nam (VATM) cho biết tháng 4 hàng năm, khu vực sân bay Điện Biên thường có gió Nam-Tây Nam, tốc độ 11-14km/h, trời ít mây, mù khô kéo dài gần như cả ngày, gây giảm tầm nhìn, ảnh hưởng đến khai thác bay. Trung bình khoảng 15 ngày trong tháng có mù hoặc mù khô, tầm nhìn từ 2000m-4800m.
VATM phân tích khu vực Thượng Lào đang ở đỉnh điểm của mùa khô, cư dân khu vực này vẫn giữ tập quán đốt rừng làm nương rẫy. Tro bụi và khói do hoạt động này theo hoàn lưu gió di chuyển về khu vực lòng chảo Điện Biên. Khói và mù đọng lại gây suy giảm tầm nhìn nghiêm trọng.
Theo thống kê của VATM, từ năm 2018 đến năm 2022, trước khi sân bay Điện Biên đóng cửa để nâng cấp, số lượng các chuyến bay bị ảnh hưởng do điều kiện thời tiết đặc thù tháng 4 (phải chuyển hướng đi sân bay dự bị hoặc hủy chuyến) từ 16-22 chuyến, chiếm khoảng 20% tổng số chuyến bay đi/đến sân bay Điện Biên.
Trong ba ngày từ 6 đến 8-4 đã có 19 chuyến bay đi, đến sân bay Điện Biên phải hủy chuyến.
Thời gian qua, VATM đã đầu tư hệ thống quan trắc khí tượng tự động hiện đại, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), được Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy phép khai thác và đưa vào hoạt động đồng bộ với đường cất hạ cánh mới.
Đồng thời, VATM đã chỉ đạo Trung tâm Khí tượng hàng không theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết để kịp thời phát hành các bản tin dự báo chính xác, đặc biệt lưu ý quan trắc và dự báo số liệu tầm nhìn ngang.
“Việc điều hành tại đài Kiểm soát không lưu hiện hữu không ảnh hưởng đến việc chậm/hủy chuyến của các hãng hàng không trong những ngày vừa qua tại sân bay Điện Biên”- phía VATM chia sẻ.
Sau 4 tháng hoạt động trở lại (từ 31-3-2024), lượng khách đi và đến sân bay Điện Biên đã tăng cao và ổn định trở lại. Cảng đã khai thác hơn 900 chuyến bay với gần 70.000 lượt khách. Khách chủ yếu từ các tỉnh Lai Châu, Sơn La di chuyển đến Điện Biên Phủ để đi Hà Nội hoặc TP.HCM và ngược lại.