Buổi sáng, những bản nhạc xưa vang lên dìu dịu trong căn nhà nhỏ của ông PVB (91 tuổi, phường 1, quận 8, TP.HCM), hai ông bà già cầm tay nhau âu yếm chuyện trò. Thấy khách đến, ông bà vội buông tay nhau ra, cười hiền lành, ngượng nghịu.
Hai ông bà đã đồng hành với nhau hơn chục năm nay, khi ông trẻ hơn bây giờ rất nhiều. Lúc đó ông mới chỉ… 80 tuổi.
Báo cáo với chi bộ xin yêu ở tuổi 90
Góa vợ cách đây gần 20 năm, ông B. rơi vào trạng thái buồn bã, cô đơn một thời gian dài. Các con ông mướn một người giúp việc để chăm sóc cho cha lúc đau ốm, bệnh tật. Người giúp việc nhỏ hơn ông 30 tuổi, là một phụ nữ quê hiền lành, chất phác, bị chồng ruồng rẫy đuổi đi.
Chăm sóc ông một thời gian, hai người dần nảy sinh tình cảm. Nhưng khi hai bên gia đình phát hiện chuyện tình cảm của ông bà đã tìm cách ngăn cản. Hàng xóm cũng lời ra tiếng vào. Bà vội về quê, sau đó đi tìm việc làm nơi khác để giữ thể diện cho cả hai.
Không ngờ ông đi tìm đến tận nơi bà ở chỉ để nói vài câu bày tỏ lòng mình. Ông nói: “Tôi sẽ nói chuyện này với chi bộ của tôi. Mình có làm gì xấu xa đâu mà phải mắc cỡ”. Tình cảm của ông dành cho bà vừa là tình bạn, vừa là tình thân.
Suy nghĩ một thời gian, bà quay trở lại với ông bất chấp sự ngăn cản của gia đình hai bên. Bà cầm lòng không đặng khi thấy ông bệnh nằm bẹp trên giường, không ăn uống được. Có bà chăm sóc, sức khỏe ông dần hồi phục, mỗi ngày ăn được ba chén cơm. Kể từ đó, họ luôn ở gần nhau. Hằng ngày ông đọc báo cho bà nghe, rồi cả hai cùng trò chuyện cả ngày.
Con riêng của bà sau một thời gian dài phản đối nay đã ủng hộ mẹ. Con ông B. đến nay vẫn chưa hoàn toàn tán thành cuộc hôn nhân chắp nối của cha nhưng ông hy vọng rồi con ông sẽ hiểu. Ở tuổi ngoài 90, hằng tháng ông vẫn đi họp chi bộ và góp ý sinh hoạt Đảng. Ông cười hiền hậu: “Bây giờ các đồng chí trong chi bộ phường 1, quận 8 đã ủng hộ chuyện của tôi rồi”.
Ông PVB và vợ tay trong tay trò chuyện với nhau mỗi buổi sáng. Ảnh: HỒNG MINH
“Từ khi có ổng, tôi thấy khỏe ra”
Cách đây gần bốn năm, khi bà NNH (Gò Dầu, Tây Ninh) dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị “rổ rá cạp lại” với ông NVT (quê Bến Tre), con trai của bà đã quậy tưng bừng vì “má già rồi còn làm chuyện mắc cỡ”. Bà H. chỉ biết ngồi khóc.
Bà H. góa chồng khi mới ngoài 30 tuổi, ở vậy nuôi hai con đến khi các con có gia đình riêng. Bà sống một mình trong căn nhà rộng ở quê, nhiều hôm đau ốm không ai hay. Chỉ khi bệnh nặng bà mới gọi điện thoại báo cho con hoặc hàng xóm. Khỏe lên bà lại đi chùa và đi làm từ thiện với nhóm bạn.
Trong một lần đi làm từ thiện ở Bến Tre, bà gặp ông T., người cũng góa vợ từ lâu và sống một mình lẻ loi. Ông thường đi mua hoặc đi chặt cây thuốc Nam đem phơi rồi mang đến cho các cơ sở Đông y từ thiện.
Biết sức khỏe bà H. không tốt, ông thường gửi thuốc lên cho bà. Rồi một hôm ông ngỏ ý muốn về cùng nhà chăm sóc cho bà. Tuy nhiên, con trai bà không đồng ý để ông T. về sống trong “nhà cũ của ba”.
Sau đó bà H. lại ốm nặng, phải đi BV Chợ Rẫy cấp cứu. Ông T. đã đến ân cần chăm sóc cho bà một thời gian khá dài. Lúc này các con bà mới dần yêu quý người đàn ông gốc miền Tây hiền lành, giản dị. Sau trận ốm thập tử nhất sinh đó, ông bà chính thức về một nhà.
Hàng xóm vẫn lời ra tiếng vào, thỉnh thoảng bà H. vẫn nghe được và buồn. Nhưng ông bà đã hạnh phúc bên nhau hơn ba năm qua. Bà tâm sự: “Từ khi có ông ấy để nương tựa, tôi thấy khỏe ra, yên tâm và giúp được nhiều người khác ngoài xã hội nữa”.
Bà Nguyễn Thị Lan (ngụ Cẩm Giang, Gò Dầu) cùng tham gia nhóm Phật tử từ thiện chùa Cẩm Phong với bà H. xác nhận: “Từ hồi có ổng chăm sóc, sức khỏe của bả đỡ hơn nhiều, bà ấy tham gia các kế hoạch từ thiện với chúng tôi không vắng bữa nào”.
Con chăm cha không bằng bà chăm ông Mọi lứa tuổi đều có nhu cầu tình cảm chứ không chỉ ở người trẻ. Người trẻ có quyền được hạnh phúc thì người già càng có quyền ấy bởi rất có thể họ đã trải qua quãng đời không hạnh phúc trong khi thời gian của họ không còn nhiều nữa. Người già thường nhàn rỗi, cô đơn, lắm bệnh. Các thành viên trong gia đình không thể có đầy đủ thời gian để chăm sóc, bầu bạn cùng nên khi những người già yêu thương nhau đến chăm sóc cho nhau là một điều rất đáng quý. Người già ở Việt Nam đang ngày càng tăng lên. Vì vậy chúng ta cần phải thay đổi các quan niệm cũ kiểu như “tam tòng tứ đức” đã lỗi thời. Ở một số nước phát triển, người ta coi việc người già tái hôn là rất bình thường và luôn ủng hộ. Chăm sóc cho người già không phải là đáp ứng đầy đủ vật chất hoặc đưa ông bà vào viện dưỡng lão có nhân viên y tế chăm sóc là ổn. Những người già mới dễ đồng cảm, chia sẻ, chăm sóc cho nhau. Đây là những điều mà người trẻ có cố gắng cũng chưa chắc làm được. Chuyên gia tâm lý HUỲNH ANH BÌNH, Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp và đào tạo kỹ năng sống TP.HCM Một khảo sát trên 430 người tại địa bàn TP.HCM cho thấy có hai nhu cầu chiếm tỉ lệ cao nhất ở người cao tuổi hiện nay là “cần có người sống chung” (77,7%) và “cần được xã hội quan tâm nhiều hơn” (76%), kế đến là nhu cầu “cần được ưu tiên khám, chữa bệnh” (35,6%). Nguồn: Kết quả khảo sát của đội tuyên truyền viên lưu động (Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM) |