Chiều 16-3, chị Minh Tâm, Gò Vấp, TP.HCM, cho biết chị nhận được cuộc gọi từ đầu số cá nhân 093648..., tự xưng là Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT), thông báo số điện thoại của chị sẽ bị khóa trong vòng 2 giờ.
“Đây là cuộc gọi ghi âm sẵn, khi bắt máy thì đầu dây bên kia tự động nói: Xin chào, Bộ Thông tin và truyền thông xin thông báo số điện thoại của của khách sẽ bị khóa trong vòng 2 giờ, ấn phím 1 để được hỗ trợ, ấn phím 2 để chuyên viên tư vấn... Vì biết lừa đảo nên tôi đã tắt đi và không nghe thêm gì”- chị Tâm nói.
Chị Tâm cũng cho biết, còn một đầu số cá nhân khác, khi gọi đến hiển thị là CucVienthong, yêu cầu chị cung cấp thông tin cá nhân để phục vụ việc chuẩn hóa thông tin sim và thông tin cá nhân.
"Từ sau ngày 15-3, khi có thông tin về việc sẽ khóa các sim không có thông tin trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tôi liên tục nhận được các cuộc gọi giả mạo từ cơ quan nhà nước để lừa đảo. Trong khi đó sim tôi đều đã đăng ký chính chủ và không nhận được tin nhắn chính thức nào từ nhà mạng về việc này"- chị Tâm bức xúc nói.
Một số điện thoại mạo danh Cục Viễn Thông. Ảnh TH |
Phóng viên lấy số và gọi lại qua thuê bao trên thì hiển thị “máy bận”.
Tương tự, anh Đình Tuấn ở quận 3 cũng đăng lên Facebook về cảnh suốt ngày ngày nay đầu số 028xxxxxxx gọi liên tục và tự xưng là Cục Viễn thông và đọc đúng họ tên anh để xác nhận thông tin sim chính chủ, nếu không sẽ bị khóa từ ngày 17-3.
Sau khi nhận câu trả lời từ anh Tuấn, đối tượng này tiếp tục yêu cầu anh cung cấp thông tin quê quán, ngày tháng năm sinh, căn cước công dân để “thực hiện đối chiếu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”.
Tuy nhiên sau khi bị anh Tuấn chất vấn về việc gọi đến bằng đầu số không phải của Cục Viễn Thông, người này dùng giọng khắt khe để yêu cầu anh phối hợp tiếp.
“Khi không lấy được thông tin gì từ tôi, người này tắt máy, và tôi thực hiện gọi lại thì không kết nối được nữa”- anh Tuấn nói.
Trước những thông tin này, Cục Viễn thông khẳng định, đơn vị này và các cơ quan quản lý nhà nước nói chung không thực hiện việc gọi điện tới người dân dọa khóa thuê bao hay yêu cầu chuẩn hóa thông tin.
Việc chuẩn hóa chỉ được thực hiện bởi kênh chính thức của nhà mạng. Người dân cần nâng cao cảnh giác, chủ động tra cứu, trao đổi qua kênh chính thống mà nhà mạng đưa ra.