Sáng 29-4, tại TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam năm 2016 với chủ đề: “Doanh nghiệp Việt Nam - động lực phát triển kinh tế của đất nước”.
Tại buổi gặp gỡ này, Thủ tướng đề nghị đại biểu phát biểu ngắn gọn, thẳng thắn, thiết thực, trực tiếp về những khó khăn, vướng mắc, bức xúc và đề xuất kiến nghị, giải pháp cụ thể để cùng tháo gỡ rào cản để phát triển.
Đòi nhiều giấy phép quá
Đại diện Hiệp hội Bán lẻ, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM - Sài Gòn Co.op, cho biết Big C Việt Nam vừa qua tuyên bố chuyển nhượng. Saigon Co.op tham gia, lọt được vào vòng cuối cùng, cùng với một DN Thái Lan nữa.
DN cần rất nhiều giấy phép để hoạt động. Ảnh minh họa
Lúc này, phía bạn hỏi rằng Saigon Co.op có giấy phép đầu tư ra nước ngoài không. Có giấy này mới được mua - bán ra nước ngoài. “Mặc dù chúng tôi có nói rằng chúng tôi sẽ xin giấy nhưng phía bạn vẫn lo âu về quá trình xin giấy này nên đặt Co.op vào tình thế khó khăn. Doanh nghiệp bán lẻ trong nước muốn làm một thương vụ thì phải xin phép nếu thương vụ diễn ra ở nước ngoài, ngoài ra còn phải xin giấy phép đầu tư ra nước ngoài” - vị đại diện nói.
Đơn vị này cũng xin được tháo gỡ khó khăn trong mua bán, sáp nhập DN bán lẻ.
Đại diện Công ty Kinh doanh hàng xuất khẩu (tỉnh Gia Lai) phản ánh xin hạn ngạch xe quá khó. Hiện nay phương tiện vận chuyển giữa Việt Nam - Campuchia không đủ để vận chuyển. Chỉ cấp phép theo yêu cầu của địa phương. Vì vậy không thu hút nhiều phương tiện, xin phép rất khó khăn. Cần làm việc với Chính phủ nước bạn để tăng hạn ngạch xe, phân hạn ngạch phù hợp với các địa phương.
DN nước ngoài “chê” luật Việt
Cùng phản ánh khó khăn, vướng mắc về pháp luật, Đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam kiến nghị hệ thống pháp luật VN nên được điều chỉnh phù hợp thông lệ quốc tế để VN tăng sức cạnh tranh.
Ví dụ như nới rộng thời gian làm thêm giờ hợp lý vì cả DN và người lao động đều đồng ý. Về quy định nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng nên thực thi nhịp nhàng và minh bạch.
Đại diện Hiệp hội DN Hàn Quốc tại VN cho biết với các DN ngoại sử dụng lao động nước ngoài là rất cần thiết. Quy định mới về lao động nước ngoài khiến DN gặp nhiều khó khăn.
Quy định như vậy không mang tính bền vững lâu dài vì mỗi DN nước ngoài có những đặc thù riêng về lao động, không nên áp dụng quy định chung.
Đề xuất Ủy ban cải cách thể chế, Thủ tướng làm chủ tịch để DN có cơ hội trao đổi vướng mắc khi luật có những sửa đổi, bổ sung.
Cần coi DN là đối tượng phục vụ
Nhiều ý kiến đề xuất nếu thực sự đồng hành cùng DN thì Nhà Nước cần coi DN là đối tượng phục vụ chứ không phải là đối tượng quản lý.
Nên giảm thủ tục hành chính, giấy phép con và điều kiện kinh doanh, bỏ đi các giấy phép không cần thiết.
Cơ chế chính sách, thông tư, nghị định nào DN đã ứng dụng phát triển tốt thì không nên thay đổi, tránh bất ổn cho DN và hạn chế việc tăng chi phí.
Bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Công ty CP Sữa Việt Nam, dẫn chứng: “Quy chuẩn vể sữa nước đã áp dụng hơn bốn năm, rất ổn, nay lại thay đổi quy chuẩn mới trong khi chúng tôi đã ổn định và xuất khẩu lâu dài. Trong khi nước tiểu và phân bò chúng tôi dùng làm phân bón cho cỏ rất tốt thì quy chuẩn nước thải lại yêu cầu phải xử lý đạt chuẩn B. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ nên coi DN là đối tượng phục vụ chứ không thể đối tượng quản lý”.