Sáng 7-3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV. Hội nghị kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu tại các tỉnh/thành phố trong cả nước.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Hội nghị lần này là để Chính phủ, các Bộ ngành địa phương và các cơ quan, tổ chức hữu quan triển khai thực hiện và các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân giám sát, theo dõi, đánh giá việc thực hiện luật, nghị quyết.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện yêu cầu “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả” theo tinh thần Nghị quyết 27 của Trung ương khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng như thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội đối với công tác tổ chức thi hành pháp luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định sau khi khái quát về 19 luật, Nghị quyết của Quốc hội tại hai kỳ họp Quốc hội vừa qua đã thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan thuộc Chính phủ kịp thời ban hành kế hoạch triển khai thi hành luật, nghị quyết; bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện bảo đảm, tiếp tục ban hành và triển khai các kế hoạch cụ thể để sớm đưa chính sách, quy định trong các luật, nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống…
Ông Định cũng yêu cầu tập trung cải cách thủ tục hành chính, phân cấp phân quyền, chuẩn bị các điều kiện và quán triệt, tuyên truyền, giới thiệu nội dung, luật cho người dân, doanh nghiệp… Đồng thời, nêu cụ thể một số yêu cầu, nhiệm vụ để triển khai các luật, Nghị quyết Quốc hội mới thông qua.
Đơn cử, triển khai Luật Căn cước cần phải khẩn trương thiết kế, hoàn thiện mẫu thẻ Căn cước, giấy chứng nhận căn cước, Căn cước điện tử, các biểu mẫu, giấy tờ liên quan; tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định; xem xét đầu tư máy móc, phương tiện, trang thiết bị cần thiết và tổ chức tập huấn, vận hành hệ thống kỹ thuật phục vụ cấp thẻ Căn cước, giấy chứng nhận căn cước, Căn cước điện tử để kịp thời triển khai thực hiện khi Luật có hiệu lực, quy định chi tiết các nội dung được Luật giao.
Triển khai Luật Đất đai thì nhiệm vụ xây dựng, ban hành văn bản quy định về 104 nội dung Luật giao Chính phủ, các Bộ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được nhấn mạnh.
Chính quyền địa phương được yêu cầu khẩn trương xây dựng, ban hành văn bản theo thẩm quyền hoặc phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật, nghị quyết của Quốc hội; chủ động tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn nội dung các văn bản thuộc lĩnh vực chức năng được giao. Tập trung chỉ đạo, tổ chức và hướng dẫn việc thực hiện, có giải pháp quyết liệt nhằm triển khai quy định trong các luật, nghị quyết của Quốc hội…
Các cơ quan khác như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, TAND Tối cao, VKSND Tối cao,… được yêu cầu chủ động rà soát, chuẩn bị và tổ chức triển khai các nội dung có liên quan trong luật, nghị quyết của Quốc hội. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cũng được nhấn mạnh.
Phổ biến luật đến tận người dân, doanh nghiệp
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh việc triển khai, thi hành luật, Nghị quyết của Quốc hội nói chung đã được Chính phủ lên kế hoạch. Các địa phương cũng đang nghiên cứu để ban hành văn bản riêng chỉ đạo, hướng dẫn, xây dựng Kế hoạch triển khai các luật, nghị quyết, trong đó dự kiến phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành hữu quan để triển khai thực hiện sâu rộng đến Nhân dân tại cơ sở.
Việc phổ biến các luật, nghị quyết mới được ban hành đã được thực hiện theo hướng lồng ghép nội dung chỉ đạo, hướng dẫn phổ biến luật, nghị quyết mới trong kế hoạch công tác PBGDPL năm 2024… đến tận người dân, doanh nghiệp bằng cả văn bản lẫn thông qua các ứng dụng trên mạng xã hội.
Phó Thủ tướng cho hay, đã có một số lượng lớn tin, bài đăng tải thông tin liên quan đến các Luật và Nghị quyết mới được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Phó Thủ tướng cũng chia sẻ: Khó khăn vướng mắc trong triển khai, thi hành luật, nghị quyết nằm ở một số khía cạnh. Chẳng hạn như nội dung quy định chi tiết lớn, nhiều vấn đề phức tạp được giao cho Chính phủ quy định thì soạn thảo cũng không đơn giản. Đồng thời, nguồn lực cho công tác thi hành pháp luật còn nhiều hạn chế, kể cả nhân lực và kinh phí.
Tuy vậy, Phó Thủ tướng cho rằng: Chính phủ sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao theo hướng nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thi hành, triển khai pháp luật.