Tôi là sinh viên hay tích trữ mì, phở gói để ăn dần. Sáng nay sau khi ăn xong mới phát hiện các gói mì đã hết hạn sử dụng đã được hơn 1 tháng. Liệu tôi có cần đi khám hay làm sao không, khi tuần này tôi đã ăn hơn 3 lần?
Bạn đọc Mộc Nhiên (Gò Vấp, TP.HCM) hỏi
Bác sĩ VI THỊ TƯƠI, Viện nghiên cứu và tư vấn dinh dưỡng (NRECI) trả lời:
Trước tiên bạn cần bình tĩnh, theo dõi những biểu hiện bất thường có thể xuất hiện khi bị ngộ độc thực phẩm như: buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy khiến cơ thể mất nước, đi cầu ra máu, sốt.
Dấu hiệu để nhận biết cơ thể bị mất nước gồm: mệt mỏi, khát nước, khô miệng, co rút cơ, chóng mặt, lú lẫn, nước tiểu vàng sậm, tiểu ít hoặc không đi tiểu trong nhiều giờ. Khi bệnh tiến triển nặng, các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn: tiêu phân lỏng trên 6 lần ngày, đi tiêu ra máu, ói ra máu, sốt trên 38,5 độ không giảm sau 24 giờ, đau bụng dữ dội…
Nếu các dấu hiệu mất nước hay dấu hiệu nặng tăng lên thì bạn cần đến ngay cơ sở y tế để khám và xử trí kịp thời.
Nếu may mắn không xuất hiện bất kì dấu hiệu nào bất thường kể trên, thì bạn có thể bình tĩnh ở nhà theo dõi thêm, vì trong trường hợp này, khi đến cấp cứu các bác sĩ cũng theo dõi và chưa can thiệp gì.
Rút kinh nghiệm, bạn nên để ý kĩ hạn sử dụng của các sản phẩm đã mua lâu ngày để tránh dùng thực phẩm quá hạn, gây ngộ độc thực phẩm. Ngoài ra, để tránh ngộ độc thức ăn cần lưu ý thêm:
- Kiểm tra bao bì có bị rách / bị thủng không, nhãn mác còn không, màu sắc, mùi vị có gì bất thường không... với những sản phẩm đã mua lâu ngày.
- Không dùng bất kì sản phẩm nào nếu không yên tâm.
- Rửa sạch thực phẩm, nhất là các loại rau sống.
- Chế biến với nhiệt độ thích hợp.
- Rửa tay trước khi chế biến và trước khi ăn
- Nên sử dụng thức ăn trong vòng 2 giờ, tốt nhất là ăn ngay khi còn nóng, nếu để quá 2 giờ thì cần bảo quản lạnh và hâm lại trước khi ăn...