Mở các đường bay đưa người Việt 'mắc kẹt' ở nước ngoài về nước

Chiều 25-3, Cục Hàng không Việt Nam cùng các đơn vị liên quan đón 201 người Việt Nam đi lao động ở Đài Loan hết hạn hợp đồng lao động, hết hạn visa không về nước được vì ngành hàng không ngừng các chuyến bay thương mại từ tháng 3-2020.

Về nước phải trả phí

Sáng cùng ngày, ông Võ Huy Cường (Phó Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam) đã chủ trì cuộc họp với Sở Y tế Đà Nẵng, các đơn vị phục vụ mặt đất, hải quan, công an xuất nhập cảnh…để đón người lao động là công dân Việt Nam hết hạn visa bị kẹt ở nước ngoài về nước.

Máy bay chở người lao động Việt Nam bị kẹt ở Đài Loan về nước ở sân bay Đà Nẵng chiều 25-3. Ảnh: C.T.V

Theo ông Cường, sau tháng 3-2020, Việt Nam chỉ thực hiện những chuyến bay nhân đạo và hạn chế thành phần về nước. Sắp tới sẽ có nhiều chuyến bay đón công dân Việt Nam đi lao động ở nước ngoài hết hạn visa bị kẹt ở nước ngoài.

Người lao động phải trả phí xét nghiệm, phí cách ly gồm cả ăn ở tại khách sạn. Trong đó, ưu tiên các quốc gia như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Campuchia.

“Các đơn vị cần phối hợp tốt, rút kinh nghiệm để tiến tới thực hiện các chuyến bay thương mại đưa công dân Việt Nam về nước”, ông Cường nói. 

Theo ông Nguyễn Tiến Mạnh (Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Du lịch thương mại Lữ hành Việt), đơn vị này là doanh nghiệp thu tiền trọn gói của công dân Việt Nam để tổ chức cho họ về nước. Chi phí này gồm vé máy bay, phí hai lần xét nghiệm, chi phí ăn ở tại khách sạn trong thời gian cách ly.

Trong chuyến bay chiều 25-3, hầu hết là người lao động hết hợp đồng ở Đài Loan. Trong thời gian chờ về nước họ phải trả nhà để ở chung nhằm tiết kiệm tiền nên cuộc sống khó khăn.

“Các khách sạn đã được kiểm tra y tế, thiết kế lại để phù hợp với việc cách ly y tế trong phòng chống dịch COVID-19. Ngoài Đà Nẵng còn có Quảng Ninh là đơn vị thực hiện việc nhận công dân về nước có trả phí”, ông Mạnh nói.

Theo ông Mạnh, hiện tại có khoảng 120.000 lao động đã hết hạn mắc kẹt tại nước ngoài, chủ yếu là Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản có nhu cầu về nước. Dự kiến mỗi tháng sẽ đưa được 5.000-6.000 người về nước. Và việc này sẽ kéo dài trong khoảng 2 năm. 

Bác sĩ Phạm Trúc Lâm (Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng) cho hay, hiện nay tại Đà Nẵng đang thực hiện cách ly công dân về nước tại khu quân sự hoặc khách sạn có trả phí. 

Công dân Việt Nam về từ Đài Loan làm thủ tục ở sân bay trước khi đến cách ly tại khách sạn. Ảnh: C.T.V 

Theo ông Lâm, do đoàn khách về có thể cách ly tại nhiều khách sạn nên cần có danh sách khách trước để phân luồng thuận tiện hơn.

Bác sĩ Lâm cũng nêu ví dụ từng có chuyến bay gồm cả khách cách ly tại khu quân sự và khách sạn, do không có danh sách trước nên có khách cách ly tại khách sạn lại được đưa vào khu quân sự, trong khi đó khách đã nộp tiền cho doanh nghiệp rồi. Nhưng đưa vào khu quân sự thì không cho ra. Đến bây giờ vẫn chưa biết giải quyết các trường hợp này như thế nào.

Lỗ 480 tỉ đồng vì không có chuyến bay

Đại diện công an cửa khẩu và hải quan cũng kiến nghị ưu tiên xem xét giãn cách chuyến bay. Các chuyến bay thương mại do các công ty lo trọn gói thì diện đối tượng mở rộng hơn, khi đó không loại trừ những trường hợp sử dụng giấy tờ không đúng quy định, nhập cảnh trái phép. Do đó việc kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu sẽ dài hơn.

Ông Đỗ Trọng Hậu (Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và khai thác nhà ga Quốc tế Đà Nẵng (AHT) cho biết, từ tháng 3-2020, nhà ga quốc tế T2 tạm dừng tất cả hoạt động phục vụ các chuyến bay thương mại, chỉ phục vụ 88 chuyến bay đưa công dân về nước và 23 chuyến bay đi. Hiện nay, AHT dừng 85-90% lao động của công ty.

Năm 2020, báo cáo lỗ của AHT khoảng 480 tỉ đồng. Năm nay cũng dự kiến sẽ không có doanh thu và kế hoạch lỗ khoảng 500 tỉ đồng. Nguồn lực hạn chế nên đề nghị Cục hàng không cũng như các đơn vị liên quan khi có chuyến bay về cần thông báo cho AHT sớm để chuẩn bị chu đáo khi câu chuyện nhân sự đã trở thành một bài toán.

“Các chuyến bay giải cứu nhà ga không thu phí nhưng phải tốn chi phí điện, nước, khử khuẩn, duy trì nhiệt độ…thậm chí, các yêu cầu về phục vụ còn cao hơn. Với những chi phí phát sinh như vậy kiến nghị các Bộ, ngành có sự chia sẻ với doanh nghiệp”, ông Hậu nói.

Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: HẢI HIẾU

Kết luận cuộc họp, Phó cục trưởng Cục hàng không Việt Nam Võ Huy Cường yêu cầu các hãng hàng không, các công ty lữ hành tổ chức chuyến bay đưa khách về cách ly phải cung cấp danh sách khách chậm nhất là trước 24 giờ khi chuyến bay cất cánh.

30 phút trước khi bay phải chốt lại danh sách lần cuối cùng. Điều đó không chỉ đáp ứng được yêu cầu phân loại xuất nhập cảnh, xử lý y tế mà còn xác định được đối tượng không được xuất nhập cảnh ngay từ đầu bên kia.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm