Mới: Bổ sung thẩm quyền xử phạt của kiểm lâm trong lĩnh vực thuỷ sản

(PLO)- Từ ngày 20-5, lực lượng kiểm lâm sẽ được xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chỉ một tuần sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 38/2024 sửa đổi, bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản và Nghị định 37/2024 sửa đổi, bổ sung các quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Thuỷ sản, chiều 11-4, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị phổ biến các điểm mới.

Nới thời hiệu xử phạt lên 2 năm

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thuỷ sản, cho biết cả hai nghị định mới ban hành này đều theo hướng kiểm soát và chế tài một cách nghiêm khắc các hành vi đánh bắt cá hợp pháp theo khuyến nghị của Ủy ban Châu âu (EC), qua đó cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong việc chống đánh bắt IUU, không chỉ vì mục tiêu gỡ thẻ vàng trước mắt, mà quan trọng là tạo chuyển biến thực sự của hoạt động thủy sản sang hướng bền vững.

tàu cá
Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị phổ biến các điểm mới của Nghị định 38/2024, Nghị định 37/2024. Ảnh: AH

So với Nghị định 42 hiện hành, Nghị định 38 đã tăng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản lên 2 năm, đồng thời vẫn giữ chế tài nghiêm khắc cho hành vi vi phạm hành chính nhiều lần hoặc tái phạm.

“Tắt thiết bị giám sát hành trình rất nhiều lần, đây chính là tình tiết tăng nặng” - ông Luân nói. Cụ thể, tàu cá không duy trì việc truyền thông tin từ thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá về hệ thống giám sát tàu cá theo quy định hoặc vô hiệu hoá thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá hoặc không có thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá có chiều dài 24 m trở lên sẽ bị xử phạt từ 300 triệu đến 500 triệu đồng, nếu tái phạm có thể bị phạt đến 700 triệu đồng.

Nghị định 38 cũng đưa chủ tàu vào đối tượng chịu chế tài, quy định rõ ranh giới vùng biển được phép khai thác thuỷ sản.

“Trước đây khi chúng tôi đi kiểm tra, phát hiện vi phạm, phạt chủ tàu thì chủ tàu bảo thuyền trưởng lái đi đâu không biết. Do vậy Nghị định 38 cũng quy định bổ sung xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ tàu cá không đồng thời là thuyền trưởng và chủ tàu cá đồng thời là thuyền trưởng để quản lý chặt chẽ hơn” - ông Luân cho biết.

Theo lãnh đạo Cục thủy sản, Nghị định 38 còn mô tả thêm một số hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động sản xuất giống thuỷ sản, cùng biện pháp khắc phục hậu quả.

“Khi cơ sở sản xuất giống không duy trì các điều kiện theo yêu cầu, không thực hiện báo cáo theo quy định, không tuân thủ các yêu cầu về hồ sơ giấy tờ thì các cơ sở giống này sẽ bị đình chỉ hoạt động” - ông Luân chia sẻ.

Bổ sung thẩm quyền xử phạt của Kiểm lâm

Việc ghi nhật ký khai thác thủy sản vẫn là bắt buộc. Vậy nên lần này quy định với tàu cá có chiều dài từ 24 mét trở lên bao gồm không ghi nhật ký khai thác hoặc ghi không chính xác yêu cầu của tổ chức nghề cá khu vực hoặc báo cáo sai quy định của tổ chức nghề cá khu vực khi khai thác thuỷ sản trong vùng biển thuộc quản lý của tổ chức nghề cá khu vực sẽ bị xử phạt từ 500 triệu đến 700 triệu đồng.

Hành vi khai thác thuỷ sản tại vùng biển của quốc gia, lãnh thổ khác hoặc vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức nghề cá khu vực mà không có giấy phép khai thác thuỷ sản sẽ bị phạt tiền từ 800 triệu đến 1 tỉ đồng.

“Như EC có nói, không có lý gì tàu đi vượt sang vùng biển nước bạn lại bảo là đi chơi được. Trừ trường hợp chết máy, bão gió thì lại khác, nhưng sẽ phải chứng minh” - ông Luân chia sẻ.

Đáng chú ý, Nghị định 38 đã bổ sung thẩm quyền xử phạt của lực lượng Kiểm lâm. Lý do bổ sung để đảm bảo các hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn được phát hiện kịp thời và bị xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong hoạt động khai thác thuỷ sản, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và nuôi trồng thuỷ sản.

Nghị định 38/2024 sẽ có hiệu lực từ 20-5 tới.

Liên quan đến việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản, Nghị định số 37/2024 có hiệu lực từ 19-5 tới cũng có nhiều quy định mới so với Nghị định 26 hiện hành. Trong đó điểm đáng chú ý là quy định rõ hơn trách nhiệm của Trung ương và địa phương trong việc quản lý, sử dụng hệ thống giám sát tàu cá. Quy định rõ trách nhiệm của đơn vị cung cấp thiết bị giám sát lắp đặt trên tàu cá…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm