Mòn mỏi chờ bình ổn giá kit xét nghiệm

Những ngày gần đây, mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng tràn ngập từ khóa “kit xét nghiệm COVID-19” với những cụm từ đi theo “tăng giá, khan hiếm, loạn giá, nhảy múa, bình ổn...”. Chưa bao giờ giá kit xét nghiệm lại trở nên nóng bỏng như thế, khi mà số ca nhiễm COVID-19 được công bố trên cổng thông tin Bộ Y tế sắp cán mốc 100.000 ca/ngày.

Làm một phép tính đơn giản: Nếu mỗi ngày có 100.000 ca nhiễm COVID-19 được công bố, để cho ra kết quả này, ít nhất phải sử dụng chừng đó bộ kit xét nghiệm nhanh (chưa nói trong số này rất nhiều ca còn phải thêm một lần xét nghiệm xác định PCR, mà ở đây chúng tôi không đề cập tới). Với giá tiền trung bình 90.000 đồng/bộ kit thì số tiền cả xã hội phải trả cho kit test nhanh này sẽ vào khoảng chục tỉ đồng mỗi ngày.

Mà để cho ra con số 100.000 ca dương tính ấy, số người thực tế phải chọt mũi có khi gấp 5-7 lần, cũng có nghĩa rằng số kit test được sử dụng thực tế cũng gấp 5-7 lần, số tiền cũng gấp chừng ấy lần. Cứ như vậy nhân lên, số tiền thực tế xã hội mất cho kit xét nghiệm mỗi ngày có thể lên đến hàng chục tỉ đồng.

Không đâu xa, gia đình tôi có ba con đi học trực tiếp và một cháu có triệu chứng, mua kit về tự xét nghiệm cho kết quả hai vạch. Thế là bốn người cùng nhà phải test, sơ sơ hết gần 500.000 đồng (tôi mua giá 95.000 đồng/bộ). Theo quy định, ít nhất cả nhà năm người chúng tôi còn phải test thêm một lần nữa, như vậy số tiền mua kit test cho đợt này đã gần cả triệu đồng.

Trên cả nước, có rất nhiều gia đình đang giống như vậy, số tiền chi cho kit test mỗi đợt có khi tốn tiền triệu! Chưa kể đến các doanh nghiệp, công sở, trường học... cũng tốn bộn tiền vì kit test.

Để kéo giảm giá xét nghiệm, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, ngay từ tháng 9-2021, 14 hiệp hội, ngành hàng đã gửi thư kiến nghị tới Thủ tướng, trong đó đề xuất Chính phủ kiểm soát giá kit xét nghiệm như mặt hàng cần bình ổn giá hoặc được Nhà nước trợ giá theo Luật Giá.

Đến cuối tháng 12-2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết 12, trong đó đồng ý: “Bổ sung trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá. Căn cứ tình hình thực tế, Chính phủ quy định cụ thể mặt hàng trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 áp dụng biện pháp bình ổn giá” (Điều 7 Nghị quyết 12/2021).

Mới đây nhất, tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá ngày 25-2, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng yêu cầu Bộ Y tế có ngay giải pháp quản lý giá, bình ổn mặt hàng kit test COVID-19. Trả lời báo chí, Bộ Y tế cũng cho hay sẽ làm việc với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan để báo cáo Chính phủ xem xét đưa kit xét nghiệm SARS-CoV-2 vào mặt hàng bình ổn giá theo tinh thần Nghị quyết 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong khi các cơ quan hữu quan vẫn còn trong quá trình “nghiên cứu, báo cáo” thì ngoài xã hội, mỗi ngày có biết bao người dân, doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc giá kit test nhảy múa. Hơn hai năm dịch bệnh chồng chất, nhiều gia đình khó khăn kiệt quệ, nhiều người mất việc, nhiều doanh nghiệp đóng cửa... Đến giờ này, khi đã xác định thích ứng linh hoạt với dịch COVID-19 hơn bốn tháng trời rồi mà gánh nặng giá kit test vẫn còn nằm nguyên đó.

Câu chuyện bình ổn giá kit test đã như dầu sôi lửa bỏng, cần được giải quyết bằng các thủ tục nhanh nhất có thể. Đừng để giá kit xét nghiệm làm oằn thêm gánh nặng chi tiêu cho bất cứ ai! 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới