Mong muốn của giới luật sư vào nhiệm kỳ mới của Liên đoàn

Đại hội đại biểu luật sư (LS) toàn quốc lần thứ III vừa kết thúc. Theo báo cáo tổng kết nhiệm kỳ II (2015-2021) của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, trong 6 năm qua đội ngũ luật sư cả nước phát triển khá nhanh về số lượng và cả chất lượng. Mỗi năm cả nước tăng thêm khoảng 1.000 thành viên; và tính đến cả nước có 16.134 luật sư đăng ký hoạt động tại 63 Đoàn Luật sư.
Pháp Luật TP.HCM ghi nhận một số ý kiến, kỳ vọng của các luật sư về nhiệm kỳ mới này.
LS VŨ PHI LONG, Đoàn LS TP.HCM:
Mong khắc phục những hạn chế trong tố tụng
Pháp luật hiện hành quy định tương đối rõ về vai trò, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của luật sư (LS) trong hoạt động nghề nghiệp nhưng vẫn còn nhiều bất cập trong hoạt động tố tụng, có thể liệt kê năm vấn đề chưa thống nhất.
Thứ nhất, việc đăng ký bào chữa, thông báo bào chữa luật quy định khá chặt chẽ và hợp lý nhưng việc LS bảo vệ quyền và lợi ích của bị hại (hoặc người tham gia tố tụng khác) thì luật tố tụng không quy định thủ tục đăng ký và cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận hoặc không chấp nhận như thế nào?.

Luật sư Vũ Phi Long kỳ vọng trong nhiệm kỳ mới, LĐLSVN sẽ tiếp tục hỗ trợ, bảo vệ các LS trong quá trình hành nghề.

Thứ hai, BLTTHS quy định LS có quyền thu thập chứng cứ, tài liệu và yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá. Nhưng cơ quan tiến hành tố tụng sau khi tiếp nhận tài liệu, chứng cứ do LS giao nộp mà không kiểm tra, đánh giá thì bị chế tài thế nào, có được xem là vi phạm tố tụng nghiêm trọng hay không?
Thứ ba, BLTTHS quy định các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền tạm đình chỉ vụ án nhưng lại không nêu thời hạn cụ thể, đặc biệt là những vụ án hình sự cần công văn trả lời của đơn vị giám định. Đây là hoạt động phối hợp của cơ quan có thẩm quyền, không phải lỗi của bị can, bị cáo. Việc kéo dài thời gian tạm đình chỉ (có trường hợp vô thời hạn) đã làm ảnh hưởng xấu đến tình trạng pháp lý của người tham gia tố tụng.
Thứ tư, việc LS gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam khi hỏi cung, việc sao chụp hồ sơ sau khi kết thúc điều tra có thuận lợi hơn trước nhưng thực tế vẫn còn một số đơn vị chưa chấp hành nghiêm Thông tư 46/2019 của Bộ Công an, ảnh hưởng xấu đến hoạt động bào chữa của LS.
Cuối cùng, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, các LS được tạo điều kiện theo đúng quy định của pháp luật nhưng tại phiên tòa vẫn còn nhiều trường hợp gây ức chế cho LS trong cách điều hành của chủ tọa phiên tòa như: tùy tiện cắt phần hỏi của LS, chưa thực hiện đầy đủ yếu tố tranh tụng, tước quyền bào chữa của LS mà không hỏi ý kiến của kiểm sát viên giữ quyền công tố và không nghị án với các thành viên trong HĐXX.
Tôi kỳ vọng trong nhiệm kỳ mới, LĐLSVN sẽ tiếp tục hỗ trợ, bảo vệ các LS trong quá trình hành nghề trước những thách thức trên.
TS-LS LƯƠNG KHẢI ÂN, Đoàn LS TP.HCM:
Chất lượng luật sư chưa đồng đều
Quy định về “dịch vụ pháp lý khác của LS” tại Điều 30 Luật LS năm 2015 chưa rõ ràng. Vô hình trung làm giới hạn các hoạt động giúp đỡ khách hàng, không đảm bảo quyền lợi của thân chủ. Nhất là trong các giao dịch dân sự, kinh tế có LS tham gia vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau. Không ít trường hợp chính LS lạm dụng ảnh hưởng đến uy tín và phạm vi hành nghề luật.

TS-LS Lương Khải Ân cho rằng hiện nay chất lượng đào tạo LS nhìn chung không đồng đều.

Xét về góc độ đào tạo LS, hiện nay chất lượng LS nhìn chung không đồng đều, chưa sàng lọc đối tượng đứng lớp bồi dưỡng. Mục tiêu cụ thể cần đạt được chưa rõ ràng, chất lượng chưa cao. Chưa phát huy được năng lực tham gia, sinh hoạt chuyên môn của từng LS, đoàn LS ở các địa phương và nặng về thủ tục.
Với những vấn đề nêu trên cần được ban lãnh đạo LĐLS nhiệm kỳ lưu tâm có kiến nghị khắc phục, khi đó mới nâng tầm chất lượng, đảm bảo thực thi các quyền cơ bản của LS được luật định.
LS NGUYỄN HỒNG HÀ, Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Khánh Hòa:
Tăng cường bảo vệ quyền lợi của luật sư
Trong quá trình tham gia bào chữa và cũng là đấu tranh tìm công lý, hoạt động của LS vẫn còn bị cản trở.
Thực tiễn thời gian qua, người bị tạm giữ, tạm giam chậm hoặc không được tiếp xúc với LS, quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội đã bị hạn chế trong hành trình tiếp cận công lý. Vai trò, chức năng bào chữa của LS trong giai đoạn điều tra còn nhiều hạn chế.

LS Nguyễn Hồng Hà cho rằng cần thiết có quy chế phối hợp với cơ quan tư pháp trung ương nhằm đảm bảo quyền của người bào chữa.

Vì vậy, tôi mong rằng Ban chấp hành LĐLSVN nhiệm kỳ III sẽ tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ quyền và lợi tích hợp pháp của LS khi hành nghề. Đồng thời, LĐLSVN cần có kiến nghị với các cơ quan tiến hành tố tụng, với Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương để có chỉ đạo chấm dứt những hạn chế trên. 
LS ĐINH THỊ QUỲNH NHƯ, Đoàn LS TP.HCM:
Cán bộ tư pháp cần “cởi mở” hơn với luật sư
Việc đội ngũ LS mạnh dạn lên tiếng về các bất cập, nêu ra những rào cản trong quá trình hoạt động hành nghề, đưa ý kiến, quan điểm tranh luận đối với những sự kiện, vụ án được dư luận quan tâm hay nổi cộm ngày càng phổ biến hơn.
Rất nhiều ý kiến từ giới LS đã giúp thay đổi một phần từ tư duy cho đến hành động, cải cách chính sách, nâng cao chất lượng của hoạt động tư pháp.

LS Đinh Thị Quỳnh Như kỳ vọng các cơ quan tố tụng không xem LS là bên đối trọng và hạn chế phối hợp.

Song tôi nhận thấy cụ thể trong hoạt động nghề nghiệp, các cơ quan tố tụng đã tự hình thành rào cản và không xác định đúng vai trò của LS trong việc tham gia bảo vệ thân chủ. Biến LS thành một bên “đối trọng” và hạn chế sự phối hợp theo đúng trình tự luật định. Tôi nghĩ cần cải cách từ chính tư duy này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm