Tuy nhiên, đàn cá này hiện đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi hàng trăm người ngày đêm bám bờ câu, từ chuyên nghiệp đến câu cho… vui.
Từ khi chất lượng nước trên các dòng kênh TP.HCM được cải thiện, rất nhiều sinh vật đã bắt đầu sinh sôi phát triển. Năm 2013, Chi cục Quản lý chất lượng - Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP (CCQLCL-BVNLTS) đã cho thả 200.000 con cá giống xuống hệ thống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tàu Hủ - Bến Nghé, mới đây nữa là 450.000 con cá rô, trê, phi… tiếp tục được thả tại cầu Mống.
Một đầu thả, một đầu câu
Nguồn cá giống này còn được bổ sung từ việc phóng sinh của nhiều Phật tử và nhà chùa. Cúng ông Táo cuối năm cũng là dịp người dân thả cá chép xuống kênh. Để bảo vệ đàn cá này cũng như phục hồi, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan đô thị, CCQLCL-BVNLTS cũng đã cho treo nhiều biển cấm trên các tuyến kênh. Tuy nhiên, các bảng cấm này xem ra không có mấy tác dụng. Đàn cá hiện đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi hàng trăm người ngày đêm bám bờ câu, từ chuyên nghiệp đến câu cho… vui.
Một con cá to đã bị câu trái phép. Ảnh: Trọng Công
Một người câu cá tên Phi ngụ quận 3 nói: “Chỗ nào có biển cấm thì mới không câu, còn chỗ nào không có biển cấm thì cứ ngồi câu, chủ yếu giết thời gian thôi. Nếu có ai hay cơ quan nào ra đuổi thì đi chỗ khác”. Một thợ câu khác ở Phú Nhuận thì cho rằng: “Ở đây chỉ thấy người ta nói đừng xả rác xuống dòng kênh và nếu thấy ai vứt bọc nylon thì nói giùm đừng xả ở đây. Còn câu cá này để cho mấy người nghèo chứ tôi không ăn”. Thậm chí có người còn cho rằng “Cá này ở sông vô, của chùa thả phóng sinh những ngày rằm, ngày lễ. Cấm cứ cấm, mình câu thì việc mình câu, có ai bắt đâu”.
Một số người có thấy biển cấm thì cho rằng việc cấm câu nên xem xét lại vì ra đây chủ yếu là câu giải trí, giảm stress sau những giờ học, giờ làm căng thẳng và thỏa mãn niềm đam mê thích câu cá. khi nào đánh bắt với số lượng lớn và dùng công cụ kiểu tận diệt như kích điện, chài, câu chùm với mục đích thương mại thì mới cần cấm và phạt.
Chính quyền địa phương mới chỉ vận động, tuyên truyền
Trao đổi về vấn đề này, bà Hứa Thị Mỹ Hương, Chủ tịch UBND phường 13, quận 3, cho biết: “Làm biển cấm nhưng thực chất mới chỉ là đi vận động, tuyên truyền. Hiện UBND TP.HCM không có quy định xử phạt việc câu cá trong nội đô, nội thành. Chính quyền sẽ bắt những người tổ chức đánh bắt cá theo kiểu câu chum, gí điện…, còn việc xử lý và đi tuần kiểm tra sẽ là sự phối hợp dân quân tự vệ phường và UBND phường”. Đây cũng là ý kiến của bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch UBND phường 15, quận Bình Thạnh. Các hành vi liên quan như phạt việc để xe trên vỉa hè, tụ tập trên cầu gây cản trở giao thông đường bộ khi câu cá cũng sẽ được lưu ý xử lý. Ông Trần Thiện Khiêm, Chủ tịch UBMTTQ phường 15, quận Bình Thạnh, cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ tiếp tục phân công hai tổ công tác đi đến tận các hộ gia đình sống ven kênh để tuyên truyền không được câu cá trên kênh”.
TRỌNG CÔNG
Hiện tại thì nguồn nước kênh Nhiêu Lộc đã không còn bị nhiễm bất kỳ tính chất của một kim loại nặng nào và đã đạt chỉ số về lượng DO cũng như pH trong nước. Ông TRầN ĐÌNH VĨNH, Chi cục trưởng CCQLCL-BVNLTS |