Đây là động lực để các nhà lãnh đạo Nga và Pháp xác định: Khủng bố Nhà nước Hồi giáo là kẻ thù chung.
Cuộc hội đàm tại điện Kremlin giữa hai nguyên thủ quốc gia đã nhất trí ba điểm chủ chốt: Tăng cường trao đổi thông tin tình báo; tăng cường không kích Nhà nước Hồi giáo, nhất là các tuyến vận chuyển dầu thô và phối hợp trong không kích; không nhắm đến các lực lượng đang chống Nhà nước Hồi giáo.
Ngày 23-11, Tổng thống François Hollande đón tiếp Thủ tướng Anh David Cameron. Hôm sau ông lên đường sang Mỹ hội kiến Tổng thống Obama. Ngày 25-11, ông và Thủ tướng Đức Angela Merkel hội đàm và hôm sau đó đến lượt Thủ tướng Ý Matteo Renzi.
Tất cả các nguyên thủ quốc gia đều khẳng định quyết tâm tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo. Dù vậy, như báo Le Monde(Pháp) nhận định, đến giờ có thể nói các bên cam kết “phối hợp” với nhau hơn là xây dựng “liên minh”.
Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố ủng hộ Pháp nhưng đây chỉ là liệu pháp tinh thần bởi Quốc hội Anh chưa cho phép mở rộng không kích từ Iraq sang Syria. Tổng thống Obama nhất trí tăng cường không kích Nhà nước Hồi giáo nhưng về cơ bản không thay đổi chiến lược chiến tranh từ xa, chủ yếu là không kích. Ông vẫn bày tỏ thái độ hoài nghi đối với Nga vì Nga vẫn bảo vệ tổng thống Syria.
Khoảng cách giữa Nga và Pháp bắt đầu rút ngắn lại khi lần đầu tiên, ngày 27-11, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tuyên bố quân đội Syria có thể phối hợp trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo. Tuyên bố này là bước đột phá bởi về chính trị, Pháp và Nga vẫn bất đồng về Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Pháp khẳng định ông Assad không có chỗ trong tương lai Syria trong khi Nga nhận định nhân dân Syria mới là người quyết định tương lai của ông Assad.
Sáng 27-11, tại điện Invalides, Tổng thống Pháp François Hollande vinh danh 130 nạn nhân trong vụ khủng bố 13-11. Hai ngày sau, hội nghị của LHQ về khí hậu sẽ khai mạc tại Paris. Và ông sẽ lại tiếp tục nỗ lực vận động về một liên minh… đồng sàng dị mộng.