Mua cà phê mang đi, ống hút treo ở ngoài không vỏ bọc thì uống vào có bị bệnh?

(PLO)- Theo chuyên gia, khả năng nhiễm vi khuẩn từ việc ống hút không có vỏ bọc là có, song lượng vi sinh này không đáng kể để gây ngộ độc thực phẩm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, nhiều cửa hàng, chuỗi trà, cà phê đã chuyển sang sử dụng ống hút, ly giấy. Hoặc các đơn vị này giảm thiểu rác thải nhựa bằng cách loại bỏ vỏ bọc bằng nilon bên ngoài ống hút, dùng túi nilon dạng quai xách chữ T thay vì dùng túi nilon dạng to truyền thống để đựng nước.

Việc cắt giảm này nhận được nhiều sự ủng hộ, đồng tình của người tiêu dùng, song cũng có một ý kiến trái chiều, đơn cử như việc cửa hàng cắt giảm vỏ bọc ngoài của ống hút.

Mới đây, trong một nhóm chuyên về ẩm thực, một tài khoản Facebook đăng tải bài viết về trải nghiệm không hài lòng khi một chuỗi cà phê không sử dụng ống hút có bọc, người này bày tỏ lo lắng vấn đề vệ sinh của sản phẩm khi di chuyển ra đường.

Ống hút không có vỏ bọc ngoài đang gây tranh cãi vì lo lắng tình trạng vệ sinh của sản phẩm. Ảnh: M.T

Ống hút không có vỏ bọc ngoài đang gây tranh cãi vì lo lắng tình trạng vệ sinh của sản phẩm. Ảnh: M.T

"Mình ủng hộ chuyện ống hút phải có vỏ bọc, vì khi shipper (tài xế giao hàng- PV) chạy xe ngoài đường, hoặc mình di chuyển trên đường bụi bẩn bám vào rồi lại cắm vô ly nước, thấy không đảm bảo vệ sinh"- M.T, chủ bài viết chia sẻ quan điểm.

Ý kiến này nhanh chóng nhận những nhiều bình luận đồng tình lẫn trái chiều từ người dùng. Dưới góc độ khoa học, TS Phan Thế Đồng, Phó chủ tịch Liên chi hội dinh dưỡng và thực phẩm TP.HCM cho biết, thực tế rủi ro về an toàn thực phẩm hay ngộ độc trong trường hợp này là không có hoặc không đáng kể.

Theo TS Đồng, nếu như shipper đi giao nước, hay chúng ta mua mang đi mà ống hút và ly nước được đựng vào một túi nilon khác, thì dù ống hút không có bọc ngoài cũng không có gì đáng lo lắng.

"Kể cả khi tính tới rủi ro, tay chúng ta cầm đúng vào miệng ống hút hoặc đầu cắm vào nước thì khả năng sẽ nhiễm bẩn vào ống hút đó. Nhưng thực tế ống hút khô ráo, không dính nước thì dù dính vi sinh cũng sẽ như việc tay chúng ta dính vi sinh mà chưa kịp rửa đã chạm vào ổ bánh mì, đồ ăn, quả táo...để ăn. Thêm vào đó, đôi khi ống hút đó sẽ có vi sinh, nhưng lượng vi sinh này ít, không đủ để gây ra các tình trạng ngộ độc thực phẩm"- TS Phan Thế Đồng phân tích.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, ngoại trừ một số người đang trong thời kỳ ủ bệnh (cúm, COVID-19...), thì khi không biết và vô tình cầm vào ống hút, hoặc hắt hơi, các vi khuẩn, virus có thể bám vào dụng cụ, và có khả năng bị nhiễm chéo cho người khác. Tất nhiên lượng vi khuẩn, virus lúc này cũng phải đủ nhiều để lây bệnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm