Mỹ, Anh chặn đứng nguồn tài chính của quân đội Myanmar

Ngày 26-3, Mỹ và Anh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt lên các tập đoàn do quân đội Myanmar kiểm soát. Đây là lệnh trừng phạt nặng nề nhất nhằm vào quân đội nước này kể từ khi cuộc chính biến xảy ra vào hồi tháng 2, kênh Channel News Asia đưa tin.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết các lệnh trừng phạt của họ nhằm vào tập đoàn Myanma Economic Holdings Public Company Ltd (MEHL) và Myanmar Economic Corporation Ltd (MEC).

Cùng với Mỹ, Anh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt tương tự đối với MEHL, với lý do là quân đội Myanmar vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đối với người Hồi giáo Rohingya.

Theo Reuters, lệnh trừng phạt mới này của Anh và Mỹ là động thái nặng nề nhất từ trước đến nay nhằm vào lợi ích kinh tế của quân đội Myanmar, như doanh thu từ bia, thuốc lá, lốp xe đến khai thác mỏ, bất động sản và viễn thông.

Theo lệnh trừng phạt của Washington, các tài sản ở Mỹ do những tập đoàn Myanmar nói trên sở hữu sẽ bị đóng băng. Bên cạnh đó, lệnh trừng phạt này cũng cấm các cá nhân hoặc công ty Mỹ tiến hành các giao dịch tài chính với những thực thể trong danh sách đen kể trên.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: CNN

Hiện tại, đại diện của hai tập đoàn này vẫn chưa đưa ra bình luận nào về lệnh trừng phạt của Mỹ và Anh.

Trong một phát ngôn, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết quân đội Myanmar "đã có những hành động ngày càng đáng lo ngại nhằm vào chính công dân của mình từ ngày 1-2".

Ông nói rằng lệnh trừng phạt này sẽ nhằm vào mục tiêu cụ thể là những kẻ đã gây ra chính biến, nhằm vào lợi ích kinh tế của quân đội và các nguồn tài trợ hỗ trợ cho cuộc đàn áp tàn bạo của quân đội Myanmar chứ không không nhắm vào người dân nước này.

Bên cạnh đó, ông Blinken nói rằng lệnh trừng phạt này đã cho thấy Mỹ và Anh thực hiện theo cam kết của mình để thúc đẩy trách nhiệm giải trình với cuộc chính biến. Ông còn gọi các hành động đàn áp người biểu tình của quân đội Myanmar là hành vi “bạo lực ghê tởm”.

Tại phiên điều trần của Thượng viện Mỹ về phản ứng đối với cuộc chính biến, Thượng nghị sĩ Ed Markey - Chủ tịch tiểu ban châu Á cho biết ông hoan nghênh các biện pháp trừng phạt này và kêu gọi tăng thêm các lệnh trừng phạt với quân đội Myanmar.

Ông nói: "Cần phải làm nhiều hơn nữa để chặn đứng nguồn cung cấp kinh tế và vũ khí của quân đội. Mỹ nên đóng vai trò hàng đầu trong việc thúc giục các đối tác và đồng minh của mình, bao gồm cả các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), thực hiện các bước để cắt đứt tài trợ cho quân đội”.

Bên cạnh đó, các nhóm nhân quyền cũng ủng hộ động thái của Mỹ.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết các lệnh trừng phạt sẽ gât ra những khó khăn đáng kể cho các tập đoàn Myanmar nói trên trong việc làm ăn với các công ty bên ngoài và cho rằng Mỹ có thể làm được nhiều hơn thế. Ví dụ như Mỹ có thể nhắm vào doanh thu của Myanmar từ các liên doanh khí đốt tự nhiên với các công ty quốc tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm