Mỹ bất ngờ cảnh báo chính phủ Nam Sudan

Quốc gia Trung Phi đã lâm vào cảnh nội chiến từ năm 2013 đến nay chưa giải quyết xong.

Chuyến viếng thăm quan trọng này của bà Haley đã bị cắt ngắn ngoài mong đợi. Nữ đại sứ Mỹ đã phải vội vã sơ tán khỏi một trại tị nạn gần 30.000 người ở Nam Sudan, sau khi bạo lực nổ ra do cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir. Nhân viên an ninh Liên Hiệp Quốc đã sử dụng hơi cay để buộc hơn 100 người biểu tình giải tán và rời đi, một nhân viên trại tị nạn trả lời hãng tin AP.

Cuộc biểu tình là ví dụ rõ ràng nhất cho tình trạng rối ren hiện nay tại đất nước Nam Sudan. Trước tình hình này, bà Haley đã truyền tải thông điệp cảnh báo rằng Mỹ đang dần cạn kiệt niềm tin vào ông Kiir, theo Reuters. Trong cuộc gặp kéo dài 45 phút, nữ đại sứ Mỹ nhấn mạnh chính phủ Nam Sudan cần phải tái lập hòa bình cho đất nước hoặc đánh mất sự ủng hộ của Washington.

Trả lời họp báo tại thủ đô Juba, bà Haley tiết lộ: “Tôi đã trao đổi với ngài tổng thống rằng nước Mỹ đang đứng trước một ngã ba đường. Mọi quyết định được đưa ra tới đây sẽ dựa trên những hành động của ông ấy”. Chính phủ của Tổng thống Kiir đứng trước nhiều cáo buộc thúc đẩy các hoạt động thanh trừng sắc tộc, đẩy đất nước tới tình cảnh nội chiến buộc hơn bốn triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

Bà Haley cho biết: “Ngài tổng thống hiểu người Mỹ rất thất vọng với sự lãnh đạo của ông ở Nam Sudan. Tôi đã nói rất rõ về điều này. Ông hiểu rằng tất cả viện trợ và sự giúp đỡ mà ông ấy trông mong sẽ không hiển nhiên diễn ra”. Trả lời đài phát thanh địa phương, nữ đại sứ Mỹ cũng khẳng định: “Chúng tôi đã mất niềm tin vào chính phủ này. Cách duy nhất để họ giành lại niềm tin là thông qua các hành động chăm lo cho người dân”. Bà Haley cho biết đã đặt ra một thời hạn để Tổng thống Kiir đưa ra các hành động mới, tuy nhiên từ chối nói rõ “hạn chót” là khi nào.

Dưới hai đời tổng thống Mỹ George W. Bush và Barack Obama, Washington đã can dự rất nhiều vào sự ra đời của Nam Sudan, thúc đẩy hòa ước năm 2005 giữa vùng này với Sudan và tuyên bố độc lập chính thức vào năm 2011.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm