Reuters dẫn thông tin từ một quan chức Mỹ ngày 2-5 cho biết chính phủ Mỹ đang kiểm tra và chưa xác nhận thông tin Triều Tiên đã di chuyển ba công dân Mỹ từ một trại lao động khổ sai đến một khách sạn ở ngoại ô thủ đô Bình Nhưỡng, có thể chuẩn bị trả tự do.
Quan chức này, đề nghị không nêu tên, cho biết chính phủ Mỹ vẫn chưa có bất kỳ thay đổi nào về tình trạng của ba công dân này - vẫn giữ tình trạng bị Triều Tiên giam giữ.
Ông Tony Kim, một trong ba công dân Mỹ bị giam ở Triều Tiên. Ảnh: REUTERS
Trong tuyên bố ngày 2-5, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết: “Chúng tôi không thể thẩm tra tính xác thực của các thông tin này. Sức khỏe và an toàn của công dân Mỹ ở nước ngoài là một trong những ưu tiên cao nhất của Bộ Ngoại giao Mỹ. Chúng tôi đang nỗ lực để các công dân Mỹ bị giam giữ ở Triều Tiên trở về nước càng sớm càng tốt”.
Chính phủ Trump đã rất tích cực thúc giục Triều Tiên thả ba công dân nước mình như một hành động thể hiện thiện chí trước khi cuộc gặp thượng đỉnh hai bên diễn ra.
Trước đó cùng ngày, trang tin Naver (Hàn Quốc) dẫn lời nhà hoạt động xã hội nước này Choi Soung-yong cho biết Triều Tiên đã di chuyển ba công dân Mỹ từ một trại lao động khổ sai đến một khách sạn ở ngoại ô thủ đô Bình Nhưỡng.
Reuters đã liên lạc với ông Choi Soung-yong và được xác nhận thông tin này. Ông Choi cho biết theo thông tin ông thu thập được từ người dân Bình Nhưỡng thì việc di chuyển ba công dân Mỹ Kim Hak-song, Kim Sang-duk hay còn gọi là Tony Kim và Kim Dong-chul diễn ra từ đầu tháng 4 theo chỉ thị của chính phủ Triều Tiên.
“Mỹ và Triều Tiên dường như đã quyết định ngày sẽ thả những người này” - theo ông Choi, cho biết ba công dân Mỹ được giữ ở ba phòng riêng biệt ở cùng khách sạn và ông không biết chính xác điều gì xảy đến với họ kể từ khi họ được di chuyển đến đây.
Ông Randall Brandt, người phát ngôn của gia đình công dân Tony Kim, liên lạc với Reuters bằng email: “Dù cảm thấy mừng với tình hình chung, gia đình vẫn không nhận được tín hiệu gì về chuyện thả tự do và cũng không có liên lạc nào với Tony kể từ lần gặp đại sứ Yun tháng 6 năm ngoái”.
Ông Brandt muốn nói tới ông Joseph Yun, vốn là nhà thương thuyết hàng đầu của Mỹ với Triều Tiên, từng gặp các công dân Mỹ khi đến Bình Nhưỡng năm ngoái. Ông Yun được bổ nhiệm làm đại diện đặc biệt của Mỹ với Triều Tiên từ tháng 10-2016 và bất ngờ từ chức tháng 2-2018.