Theo Sputnik, Hải quân Mỹ ngày 8-12 cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay do siêu tàu sân bay lớp Nimitz USS John C. Stennis dẫn đầu đã đến Trung Đông, chấm dứt thời gian tám tháng không có sự hiện diện của tàu sân bay Mỹ nào trong khu vực.
Nhóm tác chiến tàu sân bay sẽ đồn trú tại Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ - hạm đội chịu trách nhiệm cho các hoạt động của Hải quân Mỹ ở biển Ả Rập và Vịnh Persian. Tàu USS John C.Stennis sẽ lưu lại khu vực ít nhất hai tháng.
Siêu tàu sân bay lớp Nimitz USS John C. Stennis của Hải quân Mỹ. Ảnh: SPUTNIK
Theo truyền thông Mỹ, nhóm tác chiến tàu sân bay USS John C. Stennis được triển khai nhằm “hỗ trợ cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq và Syria, cũng như cuộc chiến tại Afghanistan”.
Ngoài ra, một quan chức quốc phòng Mỹ xác nhận các thông tin trước đó rằng Mỹ đang tăng cường hiện diện trong khu vực nhằm gửi “thông điệp” đến Iran.
Quan chức này cho biết thêm, sự hiện diện của nhóm tàu sân bay được kỳ vọng sẽ có tác động tương tự như căn cứ quân sự của Mỹ ở at-Tanf, miền Nam Syria.
Mỹ thiết lập căn cứ quân sự ở at-Tanf vào năm 2016 kèm lý giải động thái này nằm trong cuộc chiến chống IS. Chính phủ Syria và các đồng minh nhiều lần cáo buộc Mỹ sử dụng căn cứ này để huấn luyện và tái vũ trang cho các tay súng Hồi giáo để tiếp tục cuộc chiến chống chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad.
Hôm 6-12, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Joseph Dunford tuyên bố Mỹ sẽ phải huấn luyện thêm 35.000-40.000 “lực lượng địa phương” để “đảm bảo sự ổn định” ở miền Đông Syria, nơi lực lượng dân quân người Kurd do Mỹ bảo trợ kiểm soát sau khi IS bị đánh bật khỏi khu vực.
Hồi tháng 9, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton tuyên bố quân đội Mỹ sẽ ở lại Syria cho đến khi các dân quân được Iran chống lưng rời khỏi Syria.
Căng thẳng giữa Washington và Tehran leo thang hồi tháng 5, sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran và áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt cứng rắn nhằm vào nước này.