“Tôi đã có một cuộc điện đàm với Thủ tướng Netanyahu để thảo luận về khả năng xúc tiến một hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Israel, tăng cường quan hệ đồng minh hai bên. Tôi mong rằng sẽ tiếp tục cuộc thảo luận về vấn đề này sau cuộc bầu cử Israel, khi chúng tôi gặp nhau tại Liên Hiệp Quốc trong tháng này”, Tổng thống Mỹ Donald Trump chia sẻ trên trang Twitter cá nhân, theo hãng tin Reuters.
Đáp lại, ông Netanyhu đã gửi lời cảm ơn Tổng thống Trump, ca ngợi Israel "chưa bao giờ có một người bạn tuyệt vời hơn thế ở Nhà Trắng". Nhà lãnh đạo Israel cũng cho biết ông mong đợi cuộc gặp sắp tới với Tổng thống Trump bên lề phiên họp Đại Hội đồng nhằm "thúc đẩy một hiệp ước phòng thủ lịch sử giữa Mỹ và Israel".
Theo cựu quan chức quốc phòng Mỹ Michael Maloof, trên thực tế việc thành lập liên minh phòng thủ giữa Mỹ và Israel không thật sự là một bước tiến đáng kể, vì các thỏa thuận hiện có giữa hai nước đã quy định Washington phải bảo vệ Tel Aviv trong trường hợp nổ ra chiến tranh.
“Ngay cả khi không có văn kiện nào ký kết, Mỹ cũng sẽ tới hỗ trợ Israel nếu quốc gia đó bị tấn công. Điều tôi lo ngại là một người như ông Netanyahu dễ kéo Mỹ tham gia nhiều xung đột hơn”, ông Maloof nhận định.
Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Benjamin Netanyhu. Ảnh: REUTERS
Cựu quan chức trên còn tuyên bố việc tuyên bố kế hoạch về hiệp ước phòng thủ chung của Tổng thống Trump chỉ vài ngày trước khi diễn ra bầu cử Israel, vốn sẽ diễn ra vào 17-9 sắp tới, không phải là một sự trùng hợp. Động thái này rõ ràng thể hiện ông Trump đang tìm cách “phát đi thông điệp rằng ông muốn Thủ tướng Netanyahu tái đắc cử”.
Nhiều lãnh đạo Tel Aviv đã lên tiếng ủng hộ ý tưởng thúc đẩy hiệp ước phòng thủ chung chính thức với Mỹ để được đảm bảo hỗ trợ quân sự nếu xung đột với Iran nổ ra. Tuy nhiên, không ít ý kiến chỉ trích hiệp ước này có thể hạn chế quyền tự chủ quân sự của nước này. Ý tưởng về một hiệp ước phòng thủ chung chính thức giữa Mỹ và Israel trước đây cũng từng được thảo luận nhưng bị đánh giá là "không cần thiết".
Theo tạp chí Time, Mỹ hàng năm viện trợ quân sự cho Israel hơn 3 tỉ USD và xem nước này là "một đồng minh quan trọng không thuộc khối NATO". Bên cạnh NATO và Hiệp ước Rio với các nước Mỹ Latinh, Washington cũng có hiệp ước phòng thủ chung với Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Úc và New Zealand.