Phái đoàn Ngoại giao Mỹ tại Việt Nam thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và các cơ quan nhà nước Việt Nam, trong đó Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả Chất độc hóa học và môi trường (NACCET), hôm qua, 31-5, đã khởi động giai đoạn 2 của dự án Hòa nhập tại Bình Định và Kon Tum.
Đây là một dự án lớn về hỗ trợ người khuyết tật do USAID tài trợ, trong đó giai đoạn 2 kéo dài đến năm 2026 sẽ tiếp tục tập trung vào người khuyết tật nặng.
USAID hỗ trợ dịch vụ phục hồi chức năng tại Bình Phước. Ảnh: USAID |
Hòa nhập được bắt đầu thực hiện từ năm 2021 với nhiều hoạt động hợp tác với khu vực công và tư ở Việt Nam để củng cố hệ thống phục hồi chức năng cùng mạng lưới hỗ trợ cộng đồng tại Việt Nam.
Mục đích là bảo đảm tất cả người khuyết tật đều có cơ hội tham gia đầy đủ vào xã hội và cải thiện được tổng thể chất lượng cuộc sống.
Dự án hỗ trợ trực tiếp cho người khuyết tật nặng, cải thiện và mở rộng các dịch vụ phục hồi chức năng và xã hội, thực thi chính sách.
Để duy trì bền vững những kết quả đạt được, dự án cũng nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ của các cơ quan về công tác người khuyết tật ở trung ương và địa phương cũng như những tổ chức của người khuyết tật tại cộng đồng.
Ngoài Bình Định và Kon Tum, dự án Hòa nhập được triển khai tại sáu tỉnh khác cũng là các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam trong thời kỳ chiến tranh như Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đồng Nai, Bình Phước và Tây Ninh.
Trong thời gian thực hiện 5 năm, dự án hy vọng hỗ trợ khoảng 60.000 người khuyết tật với các dịch vụ phục hồi chức năng, chăm sóc, hỗ trợ tâm lý, thiết bị hỗ trợ và cải thiện sinh kế.
Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho biết trong hơn 30 năm qua, Mỹ và Việt Nam đã hợp tác để cải thiện cuộc sống của gần 1 triệu người khuyết tật, trong đó USAID đóng góp hơn 140 triệu USD cho các hoạt động này.
Chương trình tại Việt Nam là chương trình hỗ trợ người khuyết tật lâu dài nhất của USAID trên thế giới, được bắt đầu triển khai từ khi thành lập Quỹ Nạn nhân chiến tranh Leahy năm 1989.
Việt Nam đã trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ giành độc lập và nhiều người khuyết tật, người tàn tật là nạn nhân chiến tranh cần giúp đỡ. Những năm qua, các quốc gia như Nhật, Pháp, Mỹ đều đã có những hành động thiết thực, góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh.