Hãng Reuters đưa tin Nhà Trắng ngày 21-10 đã kêu gọi tất cả thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ủng hộ việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19.
Trao đổi với các phóng viên, người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết: “Chúng tôi cần mọi thành viên WTO đẩy mạnh và ủng hộ việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ, và mọi công ty phải hành động và khẩn trương mở rộng sản xuất ngay từ bây giờ”.
Mỹ kêu gọi WTO ủng hộ từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine COVID-19. Ảnh: GAVI
Theo Reuters, một năm trước, Nam Phi và Ấn Độ đã đưa ra đề xuất tạm thời từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine và liệu pháp ngừa COVID-19 tại WTO.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đến nay đã không đạt được nhiều tiến triển.
Hơn 100 quốc gia đã ủng hộ đề xuất trên, cho rằng việc các nước đang phát triển được phép sản xuất vaccine sẽ giúp cứu sống nhiều người.
Tuy nhiên, đề xuất trên đã vấp phải sự phản đối từ Liên minh châu Âu (EU) và nhiều quốc gia khác, bao gồm Thụy Sĩ.
Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala tuần trước thừa nhận rằng các cuộc đàm phán chính thức về việc từ bỏ tạm thời đã "bế tắc".
Tuy nhiên, bà Okonjo-Iweala tin rằng các cuộc đàm phán không chính thức đang được thúc đẩy.
Reuters dẫn lời bà Okonjo-Iweala cho biết bà tin rằng các nước thành viên WTO có thể đạt được thỏa hiệp thực tế về vấn đề này nhằm đảm bảo tiếp cận công bằng vaccine ngừa Covid-19 trong khi vẫn duy trì các biện pháp khuyến khích nghiên cứu và sáng tạo.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 5-5 đã bày tỏ ủng hộ việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19, một động thái được các nghị sỹ đảng Dân chủ và hơn 100 nước khác ủng hộ, nhưng lại vấp phải sự phản đối từ các công ty dược phẩm.
Phát biểu tại Nhà Trắng, ông Biden lên tiếng ủng hộ việc tạm thời bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với các vaccine ngừa COVID-19, đảo ngược quan điểm trước đây của Mỹ.
WTO muốn đạt được một thỏa thuận về ứng phó toàn cầu với COVID-19 tại hội nghị bộ trưởng ở Geneva từ ngày 30-11 đến ngày 3-12.