Mỹ-Nga nồng ấm trước thềm thượng đỉnh

Hai nhà lãnh đạo Mỹ, Nga đã dự định gặp nhau tại Helsinki, Phần Lan vào giữa tháng 7. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã có mặt ở Moscow để gặp Tổng thống Vladimir Putin và các quan chức hàng đầu khác của Nga.

Những chỉ dấu tích cực Mỹ, Nga

Trong các cuộc gặp gỡ ở điện Kremlin, Tổng thống Putin ngồi ở bàn đối diện với Bolton, cùng với Ngoại trưởng Sergei Lavrov, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và phụ tá chính sách đối ngoại của Tổng thống Yuri Ushakov. Người Nga theo truyền thống đặc biệt khó khăn về các vấn đề lễ tân ngoại giao nhưng cuộc họp này chắc chắn nằm ngoài những thông lệ.

Một dàn quan chức gồm tất cả nhà hoạch định tầm cỡ về chính sách đối ngoại và quốc phòng của Nga đều có mặt. Lần này, Tổng thống Putin không đơn giản “hiện diện” về ngoại giao. Ông có mặt để dẫn dắt câu chuyện. Động thái này đặc biệt quan trọng vì Tổng thống Putin vốn là người nổi tiếng đến trễ gần như mọi cuộc hẹn, kể cả với giáo hoàng và nữ hoàng Anh. Việc người đứng đầu điện Kremlin đến gặp Bolton sớm hơn dự kiến là một chỉ dấu đầy hứa hẹn. Người Nga xem cuộc gặp gỡ sắp tới có ý nghĩa quan trọng.

Chưa có cố vấn an ninh Mỹ nào được Moscow tiếp trọng thị như vậy ngoại trừ Henry Kissinger khi ông đến gặp nhà lãnh đạo Brezhnev để chuẩn bị cho “cuộc gặp đỉnh cao lịch sử” của Tổng thống Richard Nixon vào năm 1972. Cuộc họp lần đó đã khởi động một trạng thái “hòa hoãn” giữa Liên Xô và Mỹ với việc ký kết một gói thỏa thuận kiểm soát vũ khí. Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Reich Joachim von Ribbentrop đã được Ngoại trưởng Liên Xô Vyacheslav Molotov và nhà lãnh đạo Liên Xô Josef Stalin tiếp đón long trọng tại điện Kremlin vào tháng 8-1939.

Thái độ chu đáo và tinh thần trọng thị phản ánh rằng nhà lãnh đạo Nga rất nghiêm túc và mong muốn những kết quả quan trọng trong hội nghị Helsinki sắp tới. Có thể là một hòa hoãn mới (détente) trong quan hệ Mỹ-Nga hoặc một số tiến bộ tương đương với hiệp ước bất tương xâm Molotov-Ribbentrop (còn gọi là Hiệp ước Hitler-Stalin) năm 1939 về việc phân định các nội dung hai bên có cùng lợi ích và có thể gây căng thẳng.

Tổng thống Vladimir Putin (trái) gặp Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton. Ảnh: TASS

Hàm ý cho an ninh khu vực

Cuộc gặp gỡ chính thức Nga-Mỹ sẽ diễn ra sau khi các nhà lãnh đạo Mỹ tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels (Bỉ), vào ngày 11 và 12-7. NATO muốn tối ưu hóa việc triển khai quân lính và trang thiết bị hạng nặng về phía Đông, chủ yếu là Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic nhằm ngăn chặn hoặc đẩy lui một cuộc tấn công từ phía Nga. Trong khi đó, ông Trump cân nhắc quyết định cắt giảm quân sự và các cuộc tập trận ở châu Âu để tiết kiệm chi phí và trấn an ông Putin.

Động thái của ông Trump, với phương Tây là củng cố niềm tin và sự gắn bó giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu, nhất là trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Triều Tiên đang ấm dần và có triển vọng. Tổng thống Mỹ cũng có thể hóa giải hay rút ngắn bất đồng giữa chính quyền Trump với lãnh đạo Tây Âu về những vấn đề như quân sự, thương mại. Với phía Đông là phát triển quan hệ Mỹ-Nga để duy trì ổn định miền Viễn Đông.

Cuộc gặp sắp tới diễn ra một ngày sau trận chung kết World Cup và vì thế sẽ có sự tham dự của một loạt quan chức nước ngoài. Những gì mà hai nhà lãnh đạo bàn luận và ký kết có khả năng tạo hiệu ứng lan rộng ra cả châu Á-Thái Bình Dương. Rõ ràng Mỹ đang kiến tạo luật chơi hòng làm chủ cuộc chơi. Hơn hết, Mỹ muốn khẳng định quốc gia này xứng đáng vị thế siêu cường.

Các nhà ngoại giao và quan chức Nga vẫn rất thận trọng. Mặc dù hy vọng hội nghị thượng đỉnh Helsinki có thể mang lại tiến bộ, phía Nga không quá lạc quan về một “bước đột phá” trong quan hệ Nga-Mỹ. Liệu Mỹ có “làm ngơ” để Nga tự do quét sạch phe đối lập ở Syria, công nhận quyền và ảnh hưởng đặc biệt của Nga tại Ukraine và các lãnh thổ hậu Xô viết khác? Mặc dù công luận tin rằng gần đây ông chủ Nhà Trắng đã trở nên mạnh mẽ hơn nhưng một “bước đột phá” chắc chắn đòi hỏi nhiều nỗ lực phối kết Mỹ-Nga.

_____________________________

(*) HUỲNH TÂM SÁNG là nghiên cứu viên cộng tác Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS) - ĐH KHXH&NV TP.HCM.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm