Căng thẳng ngoại giao Nga-Mỹ chưa lắng sau việc này thì lại bồi thêm tin Mỹ muốn Nga bán lại tòa tổng lãnh sự quán.
Mỹ và Nga kéo nhau vào vòng xoáy trả đũa ngoại giao này đã gần một năm, kể từ khi có cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Mức độ trả đũa ngày càng tăng và có vẻ quá trình sẽ chưa có điểm dừng khi chính Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói hành động của Mỹ “đã kéo hai bên vào nhảy cùng điệu tango”.
Bước đi mới nhất của Mỹ, đóng cửa Tổng lãnh sự quán Nga nhưng không trục xuất thêm nhân viên ngoại giao có thể khiến nhiều người nghĩ Mỹ làm vậy hy vọng kết thúc vòng xoáy trả đũa ngoại giao. Tuy nhiên, chỉ những người không biết về lịch sử ngoại giao hai nước mới nghĩ vậy, theo nhà ngoại giao kỳ cựu Mỹ James F. Schumaker. Trong bài viết trênMoscow Times ngày 4-9, ông cho rằng thực tế với việc đóng cửa Tổng lãnh sự quán Nga ở San Francisco Mỹ đã đẩy căng thẳng lên một mức mới với khả năng lớn Nga sẽ đáp trả rất mạnh.
Theo ông Schumaker, Tổng thống Trump và Bộ Ngoại giao Mỹ đã làm lơ lịch sử ngoại giao hai nước. Tổng lãnh sự quán Nga ở San Francisco và Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Leningrad (nay là TP St. Peterburg) được thành lập từ đầu thập niên 1970 theo một thỏa thuận được ký giữa Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev và Tổng thống Mỹ Richard Nixon tháng 6-1973. Hai tòa tổng lãnh sự quán thành hình ở hai nước được xem là kết quả nỗ lực miệt mài của các nhà ngoại giao hai nước trong nhiều năm dài, là cả một biểu tượng ngoại giao.
Tân đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nói Nga “cần bình tĩnh và hành động chuyên nghiệp, không bột phát, cuồng loạn”. Đồng tình, ông Schumaker cũng mong muốn Nga có thái độ ôn hòa và Mỹ sẽ không có bước trả đũa nào nữa, để cả hai cùng chấm dứt điệu tango buồn. Tuy nhiên, mong muốn này khó có thể thành sự thực với việc Mỹ đánh tiếng muốn mua lại tòa tổng lãnh sự quán Nga có ý nghĩa ngoại giao rất lớn này. Chính Ngoại trưởng Lavrov tuần trước đã khẳng định sẽ đáp trả nghiêm khắc, khả năng sẽ tiếp tục trục xuất trả đũa, lần này sẽ là 155 nhà ngoại giao Mỹ.