Với giọng điệu khôi hài, hôm 1-9, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã nhận xét như trên về quan hệ ngoại giao hiện nay đối với Mỹ.
Hôm trước đó Washington đã thông báo với Moscow rằng Nga phải đóng cửa sứ quán ở San Francisco cùng hai tòa nhà ngoại giao Nga ở Washington và New York trước ngày 2-9. Đài truyền hình Russia Today của Nga đánh giá đây là đòn mới nhất trong cuộc chiến ngoại giao của Mỹ đối với Nga kéo dài tám tháng nay.
Cuộc chiến ngoại giao bắt đầu leo thang sau khi bà Hillary Clinton thất bại trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng hồi tháng 11-2016. Căn cứ tin tình báo Mỹ nghi ngờ Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ, cuối năm 2016 Tổng thống Obama quyết định trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga cùng gia đình (tổng cộng 98 người) và tuyên bố tịch thu hai tòa nhà ngoại giao Nga ở New York và bang Maryland.
Lúc bấy giờ Nga im lặng và không trả đũa vì tính đến chuyện ông Donald Trump lên cầm quyền có thể dễ gần gũi với Nga hơn. Song sau khi Hạ viện và Thượng viện Mỹ bỏ phiếu thông qua dự luật trừng phạt Nga, cuối tháng 7 vừa qua Nga quyết định trục xuất 755 nhà ngoại giao và nhân viên Mỹ, đồng thời yêu cầu họ phải rời khỏi Nga trước ngày 1-9. Mỹ bèn trả đũa với tuyên bố ngừng cấp visa đối với công dân Nga, trừ visa xin định cư.
Trong tuyên bố hôm 1-9, Ngoại trưởng Lavrov khẳng định: “Nga sẽ đáp trả cứng rắn các động thái gây thiệt hại cho Nga xuất phát từ ý muốn hủy hoại quan hệ Nga-Mỹ”. Ông cho rằng Quốc hội Mỹ và bộ máy cầm quyền Mỹ đang tìm cách “trói tay chân” Tổng thống Trump bởi ông Trump đắc cử tổng thống ngoài ý muốn của họ.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma quốc gia Nga Leonid Slutsky tuyên bố Nga sẽ không tiếp tục phản ứng kiểu “có đi có lại” với Mỹ. Ông nhận xét với yêu cầu Nga phải đóng cửa sứ quán ở San Francisco và hai cơ sở ngoại giao Nga ở Washington và New York, Mỹ đã chuyển sang giai đoạn “nóng” trong cuộc chiến ngoại giao. Nói cách khác, Mỹ đã quyết định cuộc chiến ngoại giao không còn là chiến tranh lạnh nữa mà đã trở thành chiến tranh nóng.
Ông giải thích với báo chí: “Đóng cửa một cơ sở ở nước ngoài là hành động nghiêm trọng hơn trục xuất các nhà ngoại giao, thậm chí đây còn là hành động cắt xén trái phép quyền sở hữu ngoại giao”.
Ông khẳng định tất nhiên Nga bắt buộc phải có phản ứng và “vấn đề sắp tới của Nga sẽ là xem xét có nên tiếp tục nhượng bộ khiêu khích của Mỹ bằng cách chỉ giảm quan hệ ngoại giao thôi”. Tuy nhiên, ông xác định trong bối cảnh đại sứ mới của Nga tại Washington Anatoly Antonov vừa nhậm chức hôm 1-9, Nga sẽ vẫn nỗ lực tối đa duy trì mức độ xứng đáng trong quan hệ ngoại giao với Mỹ để xây dựng nền tảng ổn định quốc tế.