Mỹ sắp triển khai lượng lớn máy bay chiến đấu tới Thái Bình Dương

Theo đài CNN, Không quân Mỹ sẽ điều khoảng 25 tiêm kích cơ tàng hình F-22 đến tập trận ở Tây Thái Bình Dương trong tháng này. Đợt triển khai bất thường một loạt máy bay chiến đấu này được cho là nhằm gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc - đối thủ của chính quyền Washington ở Thái Bình Dương.

Triển khai tiêm kích F-22 quy mô lớn

Trong tuần này, Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ tại Hawaii trong cho biết họ sẽ triển khai khoảng 25 chiếc F-22, thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia Hawaii và Căn cứ liên hợp Elmendorf-Richardson ở Alaska, tới các đảo Guam và Tinian trong tháng này để tham gia cuộc tập trận không quân lớn mang tên Pacific Iron 2021.

Tướng Ken Wilsbach - Chỉ huy Lực lượng Không quân Thái Bình Dương - cho biết: “Chúng tôi chưa bao giờ triển khai cùng lúc nhiều máy bay F-22 như vậy trong khu vực hoạt động của Lực lượng Không quân Thái Bình Dương”.

Phi đội tiêm kích cơ F-22 của Không quân Mỹ. Ảnh: CNN

Theo CNN, tiêm kích cơ F-22 là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 tiên tiến, tích hợp các công nghệ tàng hình, kết nối hệ thống cảm biến trên máy bay và hệ thống thông tin bên ngoài để cung cấp cho phi công cái nhìn chi tiết về không gian chiến đấu.

Ông Carl O.Schuster - cựu Giám đốc điều hành Trung tâm tình báo hỗn hợp thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ - cho biết các đợt triển khai chiến đấu cơ thông thường chỉ nằm trong khoảng 6 đến 12 chiếc.

“Lực lượng không quân Thái Bình Dương đang chứng minh rằng họ có thể triển khai cùng lúc nhiều máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 đến Thái Bình Dương trong thời gian ngắn hơn nhiều so với Trung Quốc” - ông nói.

Theo ông Schuster, Không quân Trung Quốc chỉ có khoảng 20 đến 24 máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 đang hoạt động, đồng thời lưu ý rằng Bắc Kinh đang đẩy mạnh cải thiện năng lực quân sự với tốc độ nhanh chóng. 

Theo CNN, Mỹ có 180 chiếc F-22, song do yêu cầu bảo trì nên họ chỉ điều khoảng 25% số lượng tiêm kích cơ F-22 tham gia cuộc tập trận Pacific Iron.

Mỹ đang răn đe Trung Quốc?

Ông Peter Layton - nhà nghiên cứu tại Viện châu Á Griffith - cho rằng: "Mỹ đang tích cực thực hành các phương án triển khai ứng phó nếu xảy ra các cuộc khủng hoảng lớn hoặc chiến tranh. Mỹ đang rất lo ngại Trung Quốc và đang phát triển thế trận cũng như huấn luyện lực lượng để có thể nhanh chóng vào vị trí”.

Theo CNN, 10 máy bay chiến đấu F-15 Strike Eagle từ căn cứ không quân của Mỹ ở Idaho và 2 vận tải cơ C-130J Hercules từ căn cứ không quân Yokota ở Nhật sẽ phối hợp với các máy bay F-22 hợp thành phi đội thực hiện tác chiến linh hoạt (ACE).

ACE được thiết kế để phân tán các máy bay chiến đấu của Mỹ và các phương tiện chiến đấu khác tại các sân bay trong khu vực. Theo đó, hoạt động này nhằm mục đích gia tăng khả năng sống sót của chúng trước các cuộc tấn công bằng tên lửa của đối phương, từ đó làm gia tăng số lượng mục tiêu mà tên lửa của đối phương cần phải tiêu diệt và tạo cơ hột tốt cho không quân Mỹ đánh trả.

Một báo cáo năm 2019 của Tập đoàn RAND - tổ chức tư vấn quốc phòng cho Lầu Năm Góc - cho cho biết Mỹ đã sử dụng chiến lược này để đối phó với Trung Quốc. 

“Quân đội Trung Quốc sở hữu ngày càng nhiều tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tầm xa, có thể đe dọa nhiều mục tiêu quan trọng tại các căn cứ không quân. Việc phân tán máy bay ra nhiều địa điểm khác nhau sẽ gia tăng khả năng sống sót và khiến đối phương tốn nhiều tên lửa hơn” - trích báo cáo.

Ông Carl O.Schuster cho rằng Mỹ muốn gửi tín hiệu răn đe mạnh mẽ tới Trung Quốc và trấn an các đồng minh và đối tác của họ thông qua việc chứng minh khả năng tác chiến linh hoạt của Lực lượng không quân nước này. Theo ông, Trung Quốc sẽ theo dõi sát sao cuộc tập trận này.

Tuy nhiên, ông Peter Layton - cựu sĩ quan Không quân Úc - cho biết việc sử dụng F-22 khiến Không quân Mỹ gặp một số khó khăn, vì F-22 là một trong những loại máy bay phức tạp và khó triển khai. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh rằng cuộc tập trận nếu thành công sẽ có giá trị răn đe đối với Trung Quốc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm