Ngoại trưởng Mike Pompeo ngày 8-7 tuyên bố Mỹ sẽ thực hiện các bước để đảm bảo chính phủ Trung Quốc không thể truy cập thông tin cá nhân của người Mỹ thông qua các tài khoản truyền thông xã hội và dịch vụ viễn thông.
Ông Pompeo cho biết chính phủ Mỹ đang xem xét việc cấm các ứng dụng truyền thông xã hội Trung Quốc như TikTok, nhưng sau đó lại nói lệnh cấm không tập trung vào một doanh nghiệp cụ thể.
“Chúng tôi sẽ đánh giá liên tục để chắc chắn rằng sự riêng tư của công dân Mỹ và thông tin của họ được bảo vệ khi truyền tải (trên các nền tảng mạng xã hội), vì vậy điều này không liên quan đến bất kỳ một doanh nghiệp hay công ty cụ thể nào ngoài an ninh quốc gia Mỹ” - đài Fox News dẫn lời ông Pompeo nói với các phóng viên hôm 8-7.
Ngoại trưởng Mỹ M. Pompeo phát biểu về Luật An ninh Quốc gia mới của Trung Quốc áp dụng lên Hồng Kông. Ảnh: STRAITS TIMES
Ông Pompeo cũng đánh giá cao Google, Facebook và Twitter vì đã từ chối cung cấp dữ liệu của công dân Mỹ cho chính quyền Hong Kong, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp khác cũng nên làm như vậy.
Ngoại trưởng Mỹ cho biết các quan chức tình báo Mỹ đang làm việc để ngăn chặn khả năng phía Trung Quốc có thể truy cập các thông tin riêng tư như hồ sơ y tế và dữ liệu cá nhân thông qua điện thoại của người dân.
Giới lập pháp Mỹ cũng nghi vấn về độ bảo mật của nền tảng truyền thông xã hội TikTok, trong khi quân đội nước này đã xem TikTok là một trong các mối đe dọa an ninh mạng và cấm ứng dụng này vào tháng 12, theo trang tin Military.com.
Tuy nhiên, TikTok - có trụ sở tại Bắc Kinh - vẫn khẳng định rằng họ không lưu trữ dữ liệu ở Trung Quốc mặc dù được đặt ở đó và chưa bao giờ được chính phủ Trung Quốc yêu cầu truy cập dữ liệu người dùng, theo hãng tin Reuters.
“Cơ sở hạ tầng của hàng trăm năm tới phải là một cơ sở hạ tầng truyền thông dựa trên lý tưởng của phương Tây về tính minh bạch trong các chính sách bảo vệ sự riêng tư của công dân” - ông Pompeo nói.
“Đây không phải là mô hình mà các công ty về phần mềm cũng như phần cứng của Trung Quốc muốn gia nhập”, quan chức Mỹ cho biết thêm.
Những gã khổng lồ công nghệ của Mỹ bao gồm Google, Facebook và Twitter cho biết họ sẽ ngừng cấp quyền truy cập dữ liệu người dùng theo yêu cầu của chính quyền Hong Kong, sau khi luật an ninh quốc gia mới được chính phủ Trung Quốc thực thi tại đây.
Luật mới cho phép các cơ quan chức năng được kiểm duyệt dữ liệu trực tuyến và tăng cường năng lực giám sát theo chiều sâu, điều mà ông Pompeo cho là “quá hà khắc”.
Trong khi đó, các gã khổng lồ công nghệ Mỹ thì tỏ ra lo ngại về sự vi phạm về nhân quyền cũng như sự mơ hồ ở các thuật ngữ được quy định trong luật mới.
Theo tờ Forbes, Twitter tuyên bố rằng họ đang xem xét lại luật an ninh quốc gia vừa được áp dụng tại Hong Kong để đánh giá các nội hàm pháp lý của nó vì nhận thấy rằng một số điều khoản của luật này rất mơ hồ và không có định nghĩa rõ ràng.
Ứng dụng Tiktok bị quan ngại về tính bảo mật ở nhiều quốc gia. Ảnh: TECHiNFONiCS
TikTok cho biết họ sẽ tiến thêm bước nữa và hoàn toàn rút ứng dụng khỏi Hong Kong, theo Reuters.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã chỉ trích kịch liệt những nỗ lực của Trung Quốc nhằm siết chặt kiểm soát ở Hong Kong từ đầu tháng 6.
Hong Kong được hưởng quyền tự trị tương đối từ Trung Quốc đại lục dựa trên Tuyên bố chung Trung-Anh, khi người Anh trao trả lãnh thổ này cho Bắc Kinh vào năm 1997.
Mỹ đã công nhận Hong Kong tách biệt về thể chế với Trung Quốc đại lục kể từ năm 1992 và kết quả là Hong Kong được hưởng một số ưu đãi thương mại nhất định.
Tuy nhiên, ông Pompeo đã tuyên bố hồi đầu tháng này rằng Mỹ sẽ xúc tiến quy trình chấm dứt tình trạng đặc biệt của Hong Kong như một hệ quả của việc Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia mới cho đặc khu này.