Hãng Reuters ngày 13-1 dẫn các nguồn thạo tin cho biết chính phủ Mỹ sắp ban hành quy tắc nhằm mở rộng quyền hạn của họ trong việc ngăn chặn xuất khẩu các sản phẩm công nghệ sản xuất từ nước ngoài cho Tập đoàn Huawei.
Trước đó, trong tháng 5-2019, Bộ Thương mại Mỹ đã liệt tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei vào danh sách đen với lý do đe dọa an ninh quốc gia.
Điều đó có nghĩa chính phủ Mỹ được quyền hạn chế Huawei mua các sản phẩm công nghệ sản xuất tại Mỹ và một lượng nhỏ thiết bị sản xuất ở nước khác có sử dụng công nghệ Mỹ.
Vì thế, các chuỗi cung ứng lớn của nước ngoài vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ Mỹ. Chính việc này đã dấy lên một lo ngại trong nội bộ chính phủ và "giới diều hâu" chống Trung Quốc thúc giục Tổng thống Donald Trump mở rộng các biện pháp ngăn chặn giao dịch với Huawei, theo Reuters.
Bộ Thương mại Mỹ đang xem xét mở rộng quyền hạn của Mỹ trong việc ngăn chặn Huawei mua các sản phẩm công nghệ từ nước khác ngoài Mỹ. Ảnh: BLOOMBERG
Reuters cho hay hồi tháng 11-2019, Bộ Thương mại đã xem xét mở rộng Quy tắc De minimis, quy định một sản phẩm sản xuất ở nước ngoài có chứa tối thiểu bao nhiêu phần trăm công nghệ có xuất xứ Mỹ mới bị chính phủ điều tiết việc xuất khẩu.
Được biết hiện nay phía Mỹ có thể yêu cầu giấy phép hoặc cũng có thể chặn việc xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao đến Trung Quốc từ các quốc gia khác nếu các linh kiện từ Mỹ chiếm 25% trong giá trị sản phẩm đó.
Nguồn tin từ Bộ Thương mại cũng tiết lộ với Reuters rằng bộ này đã soạn thảo một quy tắc chỉ hạ thấp ngưỡng xuất khẩu cho Huawei xuống 10% và mở rộng việc giới hạn các mặt hàng phi kỹ thuật như sản xuất tiêu dùng mà không gắn chip cảm biến.
Thông tin còn cho biết Bộ Thương mại đã gửi quy tắc này đến Cục Quản lý Hành chính và Ngân sách trong cuộc họp tuần vừa qua.
Nếu các cơ quan chính phủ Mỹ khác đồng ý ký vào các quy tắc này thì có thể trong vài tuần tới sẽ có một bản quy tắc chính thức được ban hành mà không có một ý kiến bình luận công khai nào, theo Reuters.
Thêm nữa, Bộ Thương mại Mỹ cũng đã soạn thảo một quy định để mở rộng “Quy tắc sản phẩm trực tiếp từ nước ngoài” mà sẽ cho phép Mỹ giám sát các sản phẩm sản xuất ở nước ngoài có dựa trên công nghệ hay phầm mềm của Mỹ.
Tuy nhiên, giới kinh doanh Mỹ cho rằng những nỗ lực mở rộng quyền hạn chính phủ trong việc kiểm soát, điều chỉnh doanh số, giao dịch của Huawei phần nào ảnh hưởng đến các công ty của Mỹ, đồng thời khuyến khích tập đoàn này mua thêm sản phẩm sản xuất bên ngoài nước Mỹ nhiều hơn.