Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 30-5 thông báo Mỹ lên án kế hoạch thiết lập quan hệ ngoại giao với Abkhazia và Nam Ossetia của Syria, yêu cầu lực lượng Nga rút khỏi những lãnh thổ này, theo Sputnik.
“Những khu vực này là một phần của Georgia. Quan điểm của Mỹ về Abkhazia và Nam Ossetia rất kiên định” - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói trong một thông cáo.
Căn cứ Krasnodar ở Gudauta thuộc Abkhazia - căn cứ quân sự thứ bảy của Nga tại nước ngoài. Ảnh: SPUTNIK
Trước đó trong tháng 5, Tổng thống Cộng hòa Nam Ossetia nói với Sputnik rằng việc Nga rút quân khỏi Nam Ossetia là chuyện không bàn cãi vì quân đội hai nước đã xây dựng một cách tiếp cận an ninh chung, trong đó quy định Nga đảm bảo an ninh của Ossetia.
Hồi tháng 8-2008, ông Dmitry Medvedev khi đó là tổng thống Nga đã ký sắc lệnh công nhận nền độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia sau đợt tấn công quân sự của Georgia đối với Nam Ossetia. Theo ông Medvedev, đây là cơ hội duy nhất để cứu tính mạng người dân Nam Ossetia.
Ngược lại, Mỹ lên tiếng phản đối động thái công nhận độc lập các khu vực này của Nga, với việc ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Condoleezza Rice nhấn mạnh rằng Washington sẽ tiếp tục xem Abkhazia và Nam Ossetia là lãnh thổ của Georgia, sẵn sàng dùng quyền phủ quyết của mình tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để chặn bất kỳ nỗ lực nào của Nga nhằm thay đổi tình trạng khu vực này.
Binh sĩ Georgia mở chiến dịch quân sự ở Nam Ossetia nhằm giành lại quyền kiểm soát nơi này và kết quả đã phá hủy một phần thủ đô nước này. Nga sau đó đưa quân tới Nam Ossetia để bảo vệ người dân địa phương và nhiều người trong số đó đã có quốc tịch Nga. Sau năm ngày giao chiến, Nga đã đẩy lùi thành công binh sĩ Georgia khỏi khu vực.
Georgia vì điều này mà cắt quan hệ ngoại giao với Nga và vẫn xem Nam Ossetia và Abkhazia là khu vực bị chiếm đóng.
Abkhazia và Nam Ossetia tuyên bố độc lập trong đầu những năm 1990. Trong thời kỳ Xô Viết, cả hai khu vực này là lãnh thổ tự trị nhưng sau khi Liên Xô tan rã, Georgia đã quyết định tước quyền tự trị của Abkhazia và Nam Ossetia, kết quả dẫn tới xung đột quân sự. Tuy nhiên, người dân vùng Abkhazia và Nam Ossetia trước sau vẫn khát khao về một nền độc lập.
Tháng 10-1999, 97,5% cử tri bỏ phiếu ủng hộ hiến pháp mới của Abkhazia và tuyên bố khu vực này là một quốc gia có chủ quyền. Đến tháng 1-1992 và tháng 11-2006, khoảng 99% người dân tham gia trưng cầu dân ý ủng hộ Nam Ossetia độc lập.
Mỹ ngoài ra còn lên án Syria vì động thái công nhận nền độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia và còn thiết lập quan hệ ngoại giao với hai nước này. Washington nhấn mạnh Mỹ ủng hộ nền độc lập của Georgia.
Hôm 29-5, Syria công nhận nền độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia, đồng ý thiết lập quan hệ ngoại giao với hai nước cộng hòa này ở cấp độ đại sứ quán. Đáp trả quyết định này, Georgia tuyên bố đình chỉ quan hệ ngoại giao với Syria.
Ngoài Syria, Nam Ossetia cũng được năm nước thành viên LHQ là Nauru, Nicaragua, Nga, Tuvalu và Venezuela công nhận nền độc lập. Nhưng Tuvalu đã rút lại công nhận này vào năm 2014.
Về Abkhazia, nền độc lập nước này được sáu nước thành viên LHQ là Nauru, Nicaragua, Nga, Tuvalu, Vanuatu và Venezuela nhưng không có Syria công nhận. Tuy nhiên, Tuvalu và Vanuatu đã rút lại công nhận này.