Theo đó, 5 năm triển khai Luật và các đề án trong khuôn khổ chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng đã thu được nhiều kết quả tích cực, tháo gỡ được rào cản, tạo điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên toàn quốc. Theo ước tính của Viện năng lượng trong cả giai đoạn 2011-2015, mức năng lượng tiết kiệm được đạt gần 6% trên tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia.
Ông Đỗ Hữu Hào,nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương, Chủ tịch hội khoa học công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiểu quả Việt Nam, cho hay việc hạn chế về công nghệ, tài chính và đầu tư đã làm cho hiệu suất nhiệt điện chỉ đạt dưới 35%. Vì vậy, việc xây dựng chính sách về tiết kiệm năng lượng và sử dụng hiệu quả là một vấn đề cần chú trọng.
Tổng Cục Năng lượng cho hay tính đến cuối năm 2014 đã có 7.289 mẫu sản phẩm được Bộ Công thương cấp phép dán nhãn năng lượng. Ảnh: Lê Phi
Tính đến tháng 6-2015, trong khuôn khổ chương trình đã thực hiện được 386 dự án. Trong đó có 130 dự án đang được tiếp tục triển khai. Các dự án tập trung vào những nhóm chính như: giáo dục tuyên truyền; phát triển các trang thiệt bị hiệu suất cao tiết kiệm năng lượng, từng bước loại bỏ các trang thiết bị hiệu suất thấp; sử dụng năng lượng hiệu quả trong tòa nhà; thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong ngành giao thông vận tải…
Được biết, tính đến cuối năm 2014 đã có 7.289 mẫu sản phẩm được Bộ Công thương cấp phép dán nhãn năng lượng. Dự báo mức tiết kiệm điện trong năm 2015 có thể lên tới 4,94 triệu TOE (TEO tương đương với một tấn dầu) và làm lợi 118 tỷ đồng.
Tổng cục năng lượng cho hay, nhu cầu điện sẽ tăng với tốc độ bình quân 8,9%/năm, các sản phẩm dầu tăng 7,6%/năm, khí 5,4%/năm và than 0,8%/năm đến năm 2030. Dự báo được đưa ra là các ngành dịch vụ-thương mại sẽ có mức tăng nhu cầu điện năng cao nhất là 8,7%/năm; giao thông vận tải là 7,9%/năm; công nghiệp 6,3%/năm; dân dụng 2,1%/năm và nông nghiệp 1,9%/năm.