Năng lực tài chính của Công ty Hoa Tháng Năm và trách nhiệm pháp lý bà Thúy

Ngày 30-11, TAND Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục tranh luận vụ ông Nguyễn Thành Tài (cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM) sai phạm trong việc giao khu đất số 8-12 Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM.
Tự bào chữa, bị cáo Lê Thị Thanh Thúy (cựu chủ tịch Công ty Hoa Tháng Năm, chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Lavenue) nghẹn ngào: “Đầu tư từ nguồn tiền hợp pháp của gia đình tôi. Tôi là doanh nghiệp thì có quyền được thuê đất kinh doanh. Quá trình góp vốn có sai phạm thì do các cơ quan chức năng nên việc sơ thẩm nói tôi đồng phạm với ông Tài là không căn cứ. Vì vậy đề nghị hủy quyết định của án sơ thẩm về việc thu hồi tiền của tôi.”

Luật sư của bà Thúy nói thân chủ mình không phạm tội. Ảnh: H.YẾN

Trước đó, bào chữa cho bà Thúy, luật sư cho rằng không có chứng cứ vật chất nào chứng minh thân chủ thành lập Công ty Hoa Tháng Năm với mục đích giành quyền đầu tư dự án 8-12 Lê Duẩn và là phương thức để bị cáo Thúy thực hiện hành vi phạm tội như nhận định của án sơ thẩm.

Đồng thời bản án nhận định Công ty Hoa Tháng Năm không có năng lực tài chính để tham gia dự án là không xác đáng. Cấp sơ thẩm nhận định năng lực tài chính của nhà đầu tư căn cứ vào vốn điều lệ, vốn đã góp so với tổng mức đầu tư dự kiến của dự án là không phù hợp với thực tế. Bởi, năng lực tài chính của doanh nghiệp còn được thể hiện bằng khả năng huy động vốn bổ sung trong quá trình hoạt động.
Cụ thể, thời điểm thành lập (năm 2010), vốn điều lệ của Công ty Lavenue chỉ là 100 tỉ đồng, đến năm 2016 là 775 tỉ đồng. Đồng thời, tính đến 2017, Công ty Hoa Tháng Năm đã góp đủ tổng cộng 235,5 tỉ đồng vào Công ty Lavenue.
Tòa sơ thẩm chỉ căn cứ việc Công ty Hoa Tháng Năm chưa đóng đủ phần vốn góp trong vốn điều lệ để khẳng định công ty này không có năng lực thực hiện dự án. Trên thực tế, khi triển khai góp vốn vào Công ty Lavenue để thực hiện dự án, Công ty Hoa Tháng Năm đã góp đủ. Trong khi đó, 4 công ty thuộc Bộ Công thương chuyển nhượng phần vốn góp cho công ty khác để hưởng lợi nhưng không bị xem xét.

Bà Thúy nghẹn ngào về chỗ sau phần tự bào chữa. Ảnh: H.YẾN

Luật sư nhấn mạnh: “Cùng một hành vi không đủ năng lực tài chính, Công ty Hoa Tháng Năm bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn 4 công ty khác thoái 50% vốn góp cho Công ty Kinh Đô thì không”.

Theo luật sư, Công ty Hoa Tháng Năm đã góp đủ vào Công ty Lavenue tổng cộng là 235,5 tỉ đồng. Việc góp vốn bằng phương thức nhận chuyển nhượng cổ phần của Công ty Hoa Tháng Năm không gây thiệt hại vật chất cho Nhà nước, ngược lại phần vốn góp này bổ sung vào thiếu hụt năng lực tài chính của chủ đầu tư và Nhà nước đang được sử dụng phần vốn góp này.
Cấp sơ thẩm cho rằng Công ty Hoa Tháng Năm được thành lập nhằm mục đích phạm tội, tuy nhiên bà Thúy thành lập công ty này là để kinh doanh bất động sản, kinh doanh nhà hàng, khách sạn nói chung chứ không nhằm mục đích duy nhất là thực hiện dự án 8-12 Lê Duẩn.
Công ty Hoa Tháng Năm tham gia góp vốn để thực hiện dự án là xuất phát từ sự thay đổi về chủ trương, chính sách đầu tư của UBND TP.HCM. Xuất phát từ ý chí mong muốn của cả hai phía là nhà đầu tư và UBND TP với đại diện là Công ty Quản lý kinh doanh nhà, chứ không phải do bà Thúy tác động đến ông Nguyễn Thành Tài để được hưởng lợi từ dự án.
Và luật sư nói cáo buộc bà Thúy đồng phạm với ông Tài là không thuyết phục. Bởi, không có tài liệu, chứng cứ nào chứng minh có sự bàn bạc giữa thân chủ với ông Tài và các bị cáo khác.
Hơn nữa, bị cáo Thúy gửi văn bản đề xuất tham gia dự án với tư cách người đại diện theo pháp luật của Công ty Lavenue thực hiện ý của các cổ đông chứ không phải tư cách cá nhân. Việc ông Tài ký quyết định giao, cho thuê 8-12 Lê Duẩn cho doanh nghiệp là căn cứ vào sự tham mưu của các sở, ngành chứ không phải do Thúy tác động.
Từ đó, luật sư cho rằng bà Thúy và Công ty Hoa Tháng Năm không có lỗi, đề nghị HĐXX tuyên thân chủ không phạm tội và hủy bỏ việc áp dụng biện pháp tịch thu gần 190 tỉ đồng phần vốn góp để tham gia dự án, sung quỹ Nhà nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm