Động thái tiêu biểu minh họa cho phát biểu này là chương trình công du châu Âu trong tuần này của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nhằm bơm thêm sức mạnh cho NATO. Ông đến Đức hôm 22-6, hôm sau ghé Estonia rồi về Bỉ dự hội nghị các bộ trưởng Quốc phòng NATO trong hai ngày 24 và 25-6. Ngày 26-6 ông lại trở lại Đức dự cuộc tập trận chung của 12 nước châu Âu.
Tại Đức, quốc gia mà Mỹ đánh giá là đầu tàu của NATO, ông Ashton Carter cùng ba người đồng cấp Đức, Hà Lan và Na Uy đến thăm tổng hành dinh quân đoàn một Đức-Hà Lan. Đây là biểu tượng cho ước mơ của Mỹ ở châu Âu, đó là binh sĩ hai nước cùng tác chiến chung một đơn vị để sau này trở thành lực lượng tác chiến nhanh của NATO.
Tại Estonia, ông sẽ hội đàm với các bộ trưởng Quốc phòng ba nước vùng Baltic. Lo ngại Nga gây bất ổn như Ukraine, ba nước vùng Baltic đã đề nghị quân đội NATO đồn trú thường trực tại Baltic. Nếu triển khai quân theo yêu cầu này, NATO sẽ vi phạm “Hiệp định nền tảng về các mối quan hệ, hợp tác và an ninh lẫn nhau giữa NATO và Liên bang Nga” ký kết ngày 27-5-1997 tại Pháp.
Để tránh né, Mỹ đã đề nghị chuyển trước vũ khí hạng nặng đủ trang bị cho 5.000 quân đến sườn Đông châu Âu, trong đó có ba nước Baltic. Kế hoạch này của Mỹ đã khiến Nga nổi giận. Tổng thống Putin đã tuyên bố sẽ triển khai thêm hơn 40 tên lửa đạn đạo để tăng cường năng lực trả đũa hạt nhân của Nga.
Trong chuyến công du châu Âu, Bộ trưởng Ashton Carter cũng sẽ tiếp tục hối thúc các nước châu Âu tăng chi phí quốc phòng. Năm 2014 chỉ có ba nước Anh, Hy Lạp và Estonia có chi phí quốc phòng bằng hoặc hơn chỉ tiêu NATO đề ra là 2% GDP.
Hồi đầu tuần (22-6), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã thông báo NATO sẽ tăng gấp đôi lực lượng phản ứng nhanh hiện nay, tức tăng quân đến 30.000-40.000 quân. Năm 2002, NATO đã thành lập lực lượng phản ứng nhanh 13.000 quân. Tuy nhiên, với cáo buộc Nga can thiệp vào Ukraine, NATO muốn tăng quân vì cho rằng lực lượng phản ứng nhanh không đủ nhanh trong bối cảnh an ninh đã chuyển biến.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã tuyên bố Mỹ sẽ cung cấp người và thiết bị cho lực lượng phản ứng nhanh NATO. Khi được hỏi liệu NATO có đang vi phạm hiệp định đã ký kết với Nga năm 1997 hay không, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh: “Điều này không vi phạm hiệp định. Tất cả những gì chúng tôi thực hiện chỉ mang tính chất phòng thủ, cân xứng và phù hợp các cam kết quốc tế”.
H.DUY