‘Nếu không đủ chứng cứ buộc tội, phải tuyên vô tội’

Vụ các cựu chiến binh bị kết án hủy hoại rừng này có hàng loạt sai sót và những điểm bất thường:

Trước hết là các sai sót về thủ tục tố tụng ở CQĐT như đặt câu hỏi dụ cung, bản ảnh không có trong hồ sơ nhưng sau khi bị hủy án điều tra lại thì lại có trong hồ sơ. Phía CQĐT, VKS giải thích là chụp rồi nhưng… bỏ quên, như vậy dẫn đến sự nghi ngờ là CQĐT tạo dựng chứng cứ. Kết luận giám định có dấu hiệu không khách quan bởi do cùng một người thực hiện, từ biên bản xác minh hiện trường đến kết luận giám định.

Cạnh đó, theo luật định là phải có hồ sơ quản lý rừng để xác định hiện trạng rừng thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi nhưng trong hồ sơ lại hoàn toàn không có. Trong khi đó, lúc chúng tôi đi thực nghiệm tình trạng rừng thì thấy xung quanh người dân đã trồng cà phê và hồ tiêu hết rồi.

Ngoài ra, những nhân chứng khai bất lợi cho các bị cáo cùng điều tra viên, giám định viên, nguyên đơn dân sự lại không có mặt tại phiên tòa nên chúng tôi không thể làm rõ được những vấn đề bất nhất trong hồ sơ.

Hơn nữa, cơ quan kiểm lâm đã xác định không còn rừng vào tháng 3-2015 nhưng hai cấp tòa lại kết tội các bị cáo hủy hoại rừng cả vào tháng 4-2015 là hoàn toàn thiếu căn cứ.

Chưa hết, một bào chữa viên nhân dân thuộc Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã có đơn xin xét xử vắng mặt và có gửi bài bào chữa cho các bị cáo nhưng HĐXX không công bố, như vậy làm mất đi quyền lợi của các bị cáo, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

luat-su-Vinh
LS-TS NGUYỄN THỊ KIM VINH, cựu thẩm phán TAND Tối cao.

Đáng chú ý, HĐXX phúc thẩm không hề nhận định về những sai sót của cấp sơ thẩm mà các LS đã nêu hay bác bỏ từng ý kiến lập luận của các LS mà chỉ chăm chăm vào những căn cứ lời nhận tội vốn không phù hợp với các chứng cứ khác có trong hồ sơ của các bị cáo (họ khai bị điều tra viên dẫn cung). Trong khi đó, BLTTHS quy định rõ là không thể lấy lời khai nhận tội của các bị cáo để buộc tội họ mà lời khai nhận tội của họ phải phù hợp với các chứng cứ khác trong vụ án.

HĐXX cũng không giải thích được tại sao trong hồ sơ không có bộ hồ sơ quản lý rừng được lưu tại Sở NN&PTNT tỉnh theo đúng quy định của pháp luật. Bởi nếu không có thì làm sao xác định được tình trạng rừng?

Tại phiên tòa phúc thẩm, những đối đáp của vị kiểm sát viên đại diện VKS giữ quyền công tố cũng không thỏa mãn được những vấn đề vi phạm tố tụng của tòa sơ thẩm mà các LS đưa ra.

Theo tôi, đúng là ở Đắk Nông - nơi đang là điểm nóng về phá rừng thì những hành vi hủy hoại rừng cần phải được xử lý nghiêm. Tuy nhiên, việc điều tra, truy tố, xét xử phải đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

TAND tỉnh Đắk Nông đã tuyên một bản án hầu như không khác gì bản án sơ thẩm làm cho không khí phiên tòa phúc thẩm trầm lắng hẳn. Tôi cảm nhận được một điều đáng buồn rằng các LS cứ việc thoải mái trình bày những quan điểm đánh giá chứng cứ của mình nhưng đó là chuyện của LS, còn có lắng nghe hay không, có tiếp nhận hay không là chuyện của HĐXX. Nếu như ở các phiên tòa khác cũng xảy ra tình trạng những lập luận thuyết phục, hợp lý, có căn cứ pháp luật của LS không được ghi nhận thì vai trò của LS không được đánh giá đúng và quyền lợi của các bị cáo sẽ không được đảm bảo theo đúng quy định của BLTTHS.

Chánh án TAND Tối cao đã từng phát biểu mang tính kim chỉ nam rằng nếu không đủ chứng cứ buộc tội các bị cáo thì cần phải tuyên họ vô tội. Tôi nghĩ hai bản án sơ, phúc thẩm trong vụ án này cần phải được người có thẩm quyền xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm để tránh làm oan người vô tội!

LS-TS NGUYỄN THỊ KIM VINH, cựu thẩm phán TAND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm