Nếu lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga của EU thành hiện thực, thì...

(PLO)-  Nếu đề xuất cấm nhập khẩu dầu Nga thành hiện thực thì Liên minh châu Âu sẽ cần chuẩn bị một số kịch bản ứng phó ngay từ bây giờ và thế giới cũng sẽ chịu tác động của lệnh cấm này.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm 4-5, Ủy ban châu Âu đã đề xuất loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu của Nga trong vòng sáu tháng tới để tiến đến việc cấm nhập khẩu hoàn toàn đối với tất cả dầu của Nga, bằng đường biển và đường ống, bao gồm cả dầu thô và dầu tinh chế. Nếu đề xuất này trở thành hiện thực, nó sẽ có tác động đến châu Âu, thế giới và cả Nga ra sao?

Mức độ phụ thuộc của Liên minh châu Âu với dầu Nga thế nào?

Châu Âu là khu vực nhập khẩu gần như toàn bộ dầu thô và Nga là nhà cung cấp dầu lớn nhất của khu vực này. Trong năm 2020, Nga đã xuất khẩu 26% lượng dầu thô vào khối này.

Khí đốt và dầu Nga vẫn tiếp tục qua Liên minh châu Âu (EU) trong khi chiến tranh, trừng phạt vẫn căng thẳng. Theo tính toán của các nhà phân tích tại tổ chức nghiên cứu Bruegel ở Brussels (Bỉ), EU trả 450 triệu USD/ngày để mua dầu và 400 triệu USD/ngày để mua khí đốt tự nhiên từ Nga.

Với thời gian dài phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt của Nga thì lệnh cấm hoàn toàn dầu Nga đối với 27 nước EU không phải là điều dễ dàng. Đã có những chia rẽ trong quan điểm của các nước EU về đề xuất này. Cụ thể, Hungary cho biết họ sẽ không tẩy chay dầu Nga, trong khi Slovakia và Cộng hòa Séc đang tìm kiếm nguồn cung thay thế, dự kiến sẽ có một giai đoạn chuyển tiếp kéo dài nhiều năm trước khi ngừng nhập dầu Nga, theo hãng tin AP.

Việc EU chọn cấm dầu Nga thay vì cấm khí tự nhiên bởi EU có mức phụ thuộc Nga về nguồn khí đốt lớn hơn nhiều so với dầu. Cụ thể là năm 2021, EU nhập khẩu hơn 40% tổng lượng khí đốt từ Nga.

Một nhà máy lọc dầu ở vùng Irkutsk, Nga. Ảnh: REUTERS

Một nhà máy lọc dầu ở vùng Irkutsk, Nga. Ảnh: REUTERS

Thêm nữa, các nguồn khí đốt tự nhiên để thay thế khó tìm hơn vì loại nhiên liệu này chủ yếu vận chuyển bằng đường ống. Trong khi các nguồn cung dầu thay thế Nga sẽ dễ tìm hơn bởi nguyên liệu này được chuyên chở bằng tàu và được giao dịch trên toàn cầu. Vì vậy, tẩy chay khí đốt tự nhiên là điều rất khó thực hiện, đặc biệt là những nước sử dụng nhiều như Đức. Nước này đã từng nói rằng việc cắt giảm ngay lập tức có thể gây ra thất nghiệp bởi việc thiếu nhiên liệu sẽ đồng nghĩa với việc các cơ sở sản xuất công nghiệp như sản xuất thủy tinh và kim loại phải đóng cửa.

EU sẽ ra sao khi ngừng nhập khẩu dầu Nga?

Trước chiến sự Ukraine, châu Âu đã nhập khẩu 3,8 triệu thùng dầu/ngày từ Nga. Về lý thuyết, các khách hàng châu Âu có thể thay thế nguồn cung dầu đó từ các nhà cung cấp ở Trung Đông, những nước hiện đang xuất khẩu chủ yếu sang châu Á, Mỹ, Mỹ Latinh và châu Phi. Trong khi đó, dầu Nga giá rẻ hơn có thể thay thế cho các chuyến hàng từ các nước Trung Đông này đến châu Á.

Tuy nhiên, sẽ mất thời gian để có thể điều chỉnh nguồn cung như vậy. Hiện tại, một số nhà máy lọc dầu lớn ở trung và đông Âu phụ thuộc vào nguồn dầu từ một đường ống từ thời Liên Xô và nếu thay đổi nhà cung cấp thì các nhà máy sẽ phải tìm một cách khác để lấy dầu sản xuất xăng và các sản phẩm khác.

Trong trường hợp EU rơi vào cảnh thiếu các nguồn cung dầu thay thế và giá nguồn cung đó đắt đỏ thì khối có thể sẽ phải đối mặt với việc hóa đơn năng lượng tăng và hoạt động kinh tế chậm lại. Nga là nhà cung cấp nguồn dầu lớn của châu Âu cho xe tải và thiết bị nông nghiệp và khi giá dầu tăng thì sẽ ảnh hưởng đến giá của nhiều loại thực phẩm và hàng hóa. Nhà phân tích chính trị người Nga Andrey Ontikov nói với đài Al Jazeera rằng việc EU cấm dầu Nga có thể được ví như hành động tự bắn vào chân mình, bởi lẽ EU sẽ phải trả giá cao hơn cho nguồn dầu thay thế, trong khi Moscow có khả năng tìm được những người mua khác bên ngoài châu Âu.

Trạm khai thác dầu khí của Nga ở TP Novomoskovsk. Ảnh: GAZPROM

Trạm khai thác dầu khí của Nga ở TP Novomoskovsk. Ảnh: GAZPROM

Các nhà phân tích của tổ chức Bruegel cho rằng nếu muốn cấm dầu Nga thì các nước châu Âu nên sẵn sàng áp dụng các biện pháp nhằm giảm thiểu việc sử dụng nhiên liệu, chẳng hạn như miễn phí sử dụng phương tiện giao thông công cộng và chia sẻ sử dụng xe hơi. Nếu những biện pháp đó không hiệu quả thì sẽ cần đến những đối sách khắc nghiệt hơn, chẳng hạn như ban lệnh cấm lái xe vào ngày chẵn lẻ dựa trên biển số xe. Các biện pháp tương tự đã được Đức ban hành vào năm 1973, khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ra lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ khiến giá dầu tăng chóng mặt.

Nga sẽ chịu tác động như thế nào?

Năng lượng là trụ cột chính trong ngân sách của chính phủ Nga. Trong giai đoạn 2011 đến 2020, 43% tổng doanh thu của Moscow đến từ dầu và khí đốt tự nhiên. Những khoản thu nhập ngoại tệ nhờ bán năng lượng này đang giúp hỗ trợ nền tài chính Nga trong bối cảnh nước này phải gánh chịu hàng loạt lệnh trừng phạt liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt mà Moscow phát động ở Ukraine.

Nhà nghiên cứu John Lough của chương trình Nga và Á-Âu tại Viện Các vấn đề Quốc tế của Hoàng gia (London) cho biết việc EU cấm dầu Nga sẽ gây ra tác động đáng kể đến khả năng đổ tiền vào chiến sự Ukraine của Nga bởi vì Nga dựa vào nguồn thu từ việc bán dầu cho châu Âu. Ông cũng nói rằng việc Nga giảm nguồn thu thuế cùng với sự sụt giảm ước tính 5 đến 10% GDP của nền kinh tế do các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ gây ra những hậu quả nặng nề đối với chi tiêu của chính phủ và gây ra sự bất mãn trong xã hội.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo lệnh cấm của EU cũng có thể mang theo rủi ro khi Nga sẽ khai thác sự khác biệt giữa các nước EU, đặc biệt là lập trường khác nhau khi giá năng lượng cao và lệnh cấm cũng có thể tác động ít lên kinh tế Nga nếu nước này chuyển hướng xuất khẩu dầu thô ra các thị trường ngoài châu Âu.

Điều gì sẽ xảy ra với thị trường toàn cầu?

Lệnh cấm dầu Nga của EU có thể gây ảnh hưởng lên toàn thế giới. Giá dầu sẽ tăng và điều đó đồng nghĩa với giá nhiều mặt hàng, dịch vụ thiết yếu tăng, người tiêu dùng sẽ gặp khó về vấn đề tài chính và đây sẽ là lực cản đối với sự phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Một đường ống dẫn khí đốt của Nga. Ảnh: AP

Một đường ống dẫn khí đốt của Nga. Ảnh: AP

Nga có thể sẽ sản xuất và xuất khẩu ít dầu hơn sau khi mất khách hàng lớn nhất là châu Âu. Lý do là vì tất cả các mặt hàng xuất khẩu của Nga không thể đơn giản được chuyển hướng từ châu Âu lân cận sang châu Á do các hạn chế về vận chuyển và hậu cần.

Mặc dù các chuyên gia dự đoán rằng Ấn Độ và Trung Quốc sẽ mua dầu giá rẻ của Nga nhưng cũng phải tính đến trường hợp các nước này tránh nhập dầu Nga vì sẽ vướng phải các lệnh trừng phạt của phương Tây. Còn các khách hàng phương Tây cũng tránh mua dầu Nga vì không muốn quan hệ với nước này hoặc không thể tìm thấy ngân hàng, công ty bảo hiểm sẵn sàng xử lý giao dịch với Moscow.

Về nguồn cung thay thế, tổ chức OPEC đã nói rõ rằng họ sẽ không tăng sản lượng để bù đắp cho bất kỳ sự mất mát nào về nguồn cung từ Nga hiện đang bị các nước tẩy chay. Như vậy thì sẽ không tránh khỏi chuyện khan hiếm nguồn cung nhiên liệu và dẫn đến những hậu quả khó lường về kinh tế, xã hội.

Tuy nhiên, có một kịch bản sáng sủa hơn là lượng dầu của Nga bị châu Âu tẩy chay sẽ được các quốc gia đang “đói” năng lượng thu mua. Nếu trường hợp này xảy ra, giá dầu sẽ giảm xuống dưới 100 USD vào tháng 6 và sẽ giảm xuống còn 60 USD vào cuối năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm