ĐB Nguyễn Văn Minh cho rằng, báo chí đang phản ánh cần xem lại phí bảo trì đường bộ cho phù hợp. Tuy nó thu không nhiều, nhưng nó tác động đến cả một hệ thống nhà nước và vấn đề cần đặt ra là thu như thế nào cho hợp lý. Chứ nghe thì đơn giản nhưng đi vào làm thì đẻ ra cả bộ máy. ĐB này cũng cho rằng, phải phân biệt thế nào là phí, thế nào là lệ phí, còn nếu nhập nhằng sẽ sinh ra biến tướng.
“Tôi cũng đề nghị phải giao cho HĐND có thẩm quyền quyết định thu phí, lệ phí. Nên giao một số khung chính của Chính phủ cho HĐND và HĐND sẽ chịu trách nhiệm trước nhân dân. HĐND đủ các cấp, đại diện cho người dân nhưng không có toàn quyền quyết định mà quyền thì cấp trên, phải xin, xin cho rồi mình cũng không được quyết thì sao mà phân cấp được”, ĐB Minh nói.
ĐB Trương Thị Ánh (Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM) cũng cho rằng cần xem xét lại việc thu phí xe gắn máy. Bởi xe máy gắn kết với cuộc sống của người nghèo mà vẫn phải đóng phí thì có hợp lý không.
ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng, đối với học phí bậc giáo dục từ mẫu giáo đến trung học phổ thông thì phải đưa vào luật phí và lệ phí. LÊ PHI
ĐB Trần Hoàng Ngân và ĐB Nguyễn Văn Minh cùng cho rằng nên chuyển học phí đại học sang Luật Giá, còn bậc phổ thông thì phải theo Luật phí và lệ phí. Bậc đại học thì có thể không cần đưa vào phí, nhưng đối với phổ thông thì nhất thiết phải cần sự đầu tư của nhà nước. Đối với trường công lập cũng phải đưa vào phí để đảm bảo nhu cầu học tập của các em, thể hiện trách nhiệm của nhà nước. Cũng theo ĐB Nguyễn Văn Minh, nếu trung ương làm hết, quy định hết mức thu phí và lệ phí rồi thì cần gì đến HĐND nữa, làm thế lại để HĐND tốn 63 cuộc họp.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm thì cho rằng, phí và lệ phí là lĩnh vực phân cấp dễ nhất: “lĩnh vực nào thu phí nộp về trung ương thì do trung ương quy định, còn nộp và cho địa phương giữ lại thì phải cho địa phương có quyền quyết định mức thu và chi chứ”.