Theo tờ South China Morning Post hôm 30-9, đảo New Caledonia ở Thái Bình Dương vốn là nơi sinh sống của 270.000 người, dự kiến sẽ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về việc tách khỏi Pháp vào cuối tuần này.
Cuộc biểu quyết diễn ra trong bối cảnh các vấn đề ở khu vực đã trở thành tâm điểm của cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ, Trung Quốc và Úc.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong chuyến thăm hòn đảo năm 2018. Ảnh: GETTY
Trước đó, hòn đảo từng là thuộc địa của Pháp và phải phụ thuộc vào Paris với khoản tài trợ khoảng 1,5 tỉ USD hàng năm đã đạt được thỏa thuận với Pháp về việc thực hiện tối đa ba cuộc trưng cầu dân ý, mỗi cuộc tổ chức cách nhau hai năm về vấn đề độc lập.
Trong cuộc thăm dò đầu tiên vào năm 2018, gần 57% cử tri đã chọn ở lại Pháp.
Nhân tố Trung Quốc
Ngoài số tiền tài trợ từ Pháp, New Caledonia còn nhận phần lớn số tiền còn lại từ việc khai thác niken bán cho Trung Quốc - một trong những đối tác thương mại lớn nhất của họ.
Năm 2018, xuất khẩu của New Caledonia sang Trung Quốc đạt tổng cộng 1,06 tỉ USD, nhiều hơn tổng xuất khẩu của hòn đảo sang tất cả các nước khác. Đây cũng là khu vực có tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân đầu người cao nhất trong khu vực Thái Bình Dương, vào khoảng 38.270 USD vào năm 2018.
Tuy nhiên, cái giá cho việc cắt đứt quan hệ với Pháp có thể sẽ rất lớn. Các nhà lãnh đạo - những người không muốn rời khỏi Pháp đã lấy khía cạnh kinh tế để làm lung lay cử tri và cảnh báo rằng New Caledonia sẽ trở thành "thuộc địa của Trung Quốc" nếu tách khỏi Pháp.
Tiến sĩ Catherine Ris, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Luật tại Đại học New Caledonia cho biết mối quan ngại về sự hiện diện của Trung Quốc ở khắp mọi nơi trên thế giới ngày càng đang gia tăng.
"Mọi người nói về Trung Quốc. Họ nói nếu chúng tôi không còn là người Pháp, chúng tôi sẽ là người Trung Quốc" - ông nói.
"Dấu chân" của Trung Quốc ở Thái Bình Dương đã mở rộng trong thập niên qua, với 10 trong số 14 quốc đảo và vùng lãnh thổ ở Thái Bình Dương đã chính thức công nhận quan hệ với Bắc Kinh. Hai quần đảo Solomon và Kiribati đã chuyển từ quan hệ ngoại giao với Đài Loan sang với Trung Quốc vào năm ngoái.
Theo Viện Lowy - một tổ chức tư vấn có trụ sở tại TP Sydney (Úc), Trung Quốc là nhà tài trợ lớn thứ hai trong khu vực sau Australia từ năm 2011 đến 2018.
Ngoài ra, các "ông lớn" cũng sẽ theo dõi Bougainville - một tỉnh của Papua New Guinea, sau khi đề xuất tách khỏi Papua New Guinea của lãnh đạo tỉnh này là ông Ishmael Toroama đã được chính quyền trung ương phê chuẩn và nhận được các chính sách hỗ trợ để phát triển.
Trục chiến lược Pháp-Ấn Độ-Úc
Trong cuộc trưng cầu dân ý hai năm trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong chuyến thăm vùng lãnh thổ năm 2018, đã cảnh báo rằng Trung Quốc đang "từng bước xây dựng bá quyền của mình… một sự bá quyền sẽ làm ảnh hưởng tự do và cơ hội của chúng ta" ở Thái Bình Dương.
Cũng trong chuyến đi này, khi dừng chân ở Úc, Tổng thống cũng cũng kêu gọi thành lập "trục chiến lược Paris-New Delhi-Canberra" giữa Pháp, Ấn Độ và Úc và nói rằng đó là yếu tố "then chốt đối với khu vực và các mục tiêu chung của ba nước ở Ấn Độ-Thái Bình Dương".
Đến ngày 9-9, ba nước đã khởi động liên minh chiến lược này bằng việc tổ chức một cuộc họp đầu tiên giữa các lãnh đạo cấp cao.
Bên cạnh đó, New Delhi cũng ngày càng quan tâm đến khu vực Thái Bình Dương như một cách để cân bằng sự trỗi dậy của Bắc Kinh, với việc Bộ Ngoại giao Ấn Độ hiện coi quần đảo này là điểm đến để hỗ trợ ngoại giao và đầu tư, theo báo cáo của truyền thông Ấn Độ.