Nga: EU không chấp thuận vaccine Sputnik V vì áp lực chính trị

Đài RT dẫn lời giám đốc Cơ quan Tình báo Nước ngoài Nga (SVR), ông Sergey Naryshkin cho biết vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V của nước này vẫn chưa được phê chuẩn sử dụng tại nhiều quốc gia châu Âu do áp lực chính trị từ các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU). 

Phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia hôm 19-5, giám đốc cơ quan tình báo hàng đầu của Nga tiết lộ Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đang "chùn chân" trước tác động của các quan chức cấp cao nhất của EU, chứ không phải do bất kỳ mối lo ngại liên quan đến khoa học nào.

“Tôi không muốn đổ lỗi cho các chuyên gia của EMA. Nhưng chúng tôi biết chắc chắn rằng sự trì hoãn này có liên quan đến áp lực từ những quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu" - ông Naryshkin chia sẻ.

Những lọ vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V của Nga. Ảnh: SPUTNIK

Theo RT, EMA đã nghiên cứu Sputnik V được một thời gian và bắt đầu chính thức xem xét loại vaccine này vào tháng 3. 

Dù kết quả các cuộc nghiên cứu của EMA công bố cho thấy loại vaccine này có tác dụng tốt bằng hoặc tốt hơn các loại vaccine đã được cơ quan này chấp thuận, song EMA vẫn chậm chạp trong việc đưa ra quyết định của mình.

Tuyên bố mới nhất của ông Naryshkin được đưa ra một ngày sau khi giám đốc SVR cáo buộc EU đang chuẩn bị một chiến dịch bôi nhọ Nga, thêm rằng Brussels muốn đổ tội chính quyền Moscow kích động phong trào chống tiêm chủng ở nước ngoài.

Công nhân kiểm tra lô hàng vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V của Nga tại Caracas, Venezuela ngày 29-3. Ảnh: REUTERS

Vào tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố rằng sự quan tâm của các quốc gia bên ngoài đối với vaccine Sputnik V đang tăng lên, bất chấp những hành vi của các nước phương Tây mà ông gọi là “cố ý làm mất uy tín” và “bịa đặt hoàn toàn”.

Trước đó, Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF), đơn vị tài trợ cho việc phát triển và sản xuất vaccine Sputnik V, tuyên bố loại vaccine cho thấy mức độ hiệu quả lên tới 97,6%.

Một đánh giá khác được công bố trên tạp chí y khoa Anh The Lancet vào tháng 2 cũng khẳng định mức độ hiệu quả của vaccine Sputnik V lên đến 91,6%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm