Theo Press TV ngày 3-12, một báo cáo của Viện nghiên cứu chiến tranh (ISW -Mỹ) cho biết từ năm 2015 Nga bắt đầu thiết lập một mạng lưới phòng không độc lập từng phần ở Syria. Mục đích việc này nhằm bảo vệ lực lượng khí tài quân sự của Nga tại căn cứ không quân Khmeimim và căn cứ hải quân Tartus trên bờ biển Địa Trung Hải.
Hệ thống phòng không S-300 của Nga. Ảnh: AP
Theo báo cáo, từ năm 2015 đến nay Moscow đã và vẫn đang triển khai các hệ thống phòng không S-300 và S-400 cùng với bốn hệ thống tác chiến điện tử đặc biệt tới Syria. Bên cạnh đó, Nga đã bố trí Syria ít nhất một hệ thống radar khóa mục tiêu 1L122-1E tiên tiến và hệ thống phòng không tự động Barnaul-T.
Báo cáo lưu ý Nga quyết định mở rộng mạng lưới phòng không ở Syria sau sự kiện Mỹ và đồng minh tập kích tên lửa vào các vị trí quân sự của Syria ngày 14-4, cũng như sau vụ máy bay trinh sát Il-20 của Nga bị phòng không Syria vô tình bắn rơi hôm 17-9.
“Nga đã hoàn thành một mạng lưới chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) tiên tiến ở Syria, kết hợp hệ thống phòng không và hệ thống tác chiến điện tử của riêng nước này với thiết bị hiện đại của Syria trước đây. Nga có thể tận dụng những khả năng này để gia tăng thách thức chiến lược lâu dài cho Mỹ và NATO ở Đông Địa Trung Hải và Trung Đông” - báo cáo của ISW nêu rõ.
Cũng theo báo cáo, sự tăng cường hiện diện của Nga tại Syria đồng nghĩa với việc các chiến dịch ném bom của Mỹ và đồng minh ở Syria bị hạn chế.
Hệ thống phòng không tự động Barnaul-T. Ảnh: PAKISTAN DEFENSE
“Nga hiện có ưu thế để phá vỡ liên quân chống IS của Mỹ và hạn chế các lựa chọn quân sự trong tương lai của Mỹ ở Syria. Nga sau cùng là muốn sử dụng năng lực công nghệ buộc liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu rút khỏi Syria. Nga có thể sử dụng những hệ thống này để hạn chế sự tự do hoạt động của liên quân nhưng làm gia tăng nguy cơ Mỹ phải đối mặt ở Syria” - báo cáo viết.
Báo cáo thêm rằng mạng lưới phòng không của Nga tại Syria sẽ làm tăng trở ngại cho các cuộc không kích của Israel trên đất Syria trong tương lai.
“Cả Mỹ lẫn Israel đều phải chuẩn bị để đương đầu với số lượng lớn các hệ thống phòng không ở Syria, cũng như phải sử dụng thêm máy bay chiến đấu tàng hình F-35 tại Syria. Nga có lợi thế chiến lược lâu dài so với NATO thông qua các khả năng mới của mình ở Syria. Mỹ và NATO hiện phải chịu trách nhiệm về nguy cơ leo thang nguy hiểm ở Trung Đông trong bất kỳ cuộc đối đầu nào với Nga ở Đông Âu” - báo cáo kết luận.