Nga, Mỹ tranh cãi về tấn công hóa học ở Syria

Moscow đã đề xuất với Hội đồng Bảo an (HĐBA) tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) thành lập một cơ chế độc lập để điều tra các vụ tấn công hóa học ở Syria. Nga cũng muốn mời Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) tham gia vào cuộc điều tra này.

Mỹ đã đi quá xa

“Chúng tôi hoàn toàn không chấp nhận những cáo buộc của Mỹ” - phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố. Ông Peskov khẳng định Moscow sẽ phản đối mọi cáo buộc “vô căn cứ”, đồng thời kêu gọi điều tra độc lập, toàn diện về các vụ tấn công hóa học không chỉ ở Syria mà còn ở khắp nơi trên thế giới.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov trước đó cũng khẳng định những kết luận của Mỹ về vụ tấn công hóa học ở khu vực Đông Ghouta đã “đi quá xa”. Moscow muốn Washington phải “bình tĩnh” lại. Ông Ryabkov chỉ trích những cáo buộc của Mỹ nhằm vào Nga là sự khiêu khích trước thềm Hội nghị Đối thoại dân tộc Syria diễn ra vào đầu tuần tới.

“Chúng tôi kêu gọi Washington từ bỏ tham vọng áp đặt quan điểm của mình lên Moscow và các thành viên quốc tế khác - những quan điểm được đề ra mà thậm chí còn không xem xét kỹ lưỡng các kế hoạch điều tra mà chúng tôi đề xuất” - ông Ryabkov nói. Theo thứ trưởng Ngoại giao Nga, lý do các đại diện cấp cao của chính quyền Tổng thống Donald Trump luôn áp đặt các cáo buộc nhằm vào Nga là bởi “Mỹ không muốn đối mặt với sự thật”.

Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebezia và người đồng cấp Mỹ Nikki Haley trong phiên họp tại HĐBA LHQ. Ảnh: GETTY IMAGES

“Nga phải chịu trách nhiệm”

Những phản pháo của Nga được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm 23-1 cáo buộc chính quyền Syria đã thực hiện vụ tấn công bằng vũ khí hóa học nhằm vào thường dân ở khu vực Đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus, hôm 22-1 khiến hàng chục người thương vong. Ngoại trưởng Mỹ khẳng định Nga sẽ phải chịu trách nhiệm cho vụ tấn công này vì Moscow đã “che chở cho đồng minh Damascus” và vi phạm thỏa thuận tiêu hủy vũ khí hóa học Syria đã ký hồi năm 2013.

“Mới chỉ hôm qua đã có hơn 20 dân thường, đa phần là trẻ em, trở thành nạn nhân của một vụ tấn công bằng khí clo. Bất kể thủ phạm là ai, Nga sẽ phải chịu trách nhiệm cho những nạn nhân tại Đông Ghouta cũng như vô số người dân Syria khác đã bị tấn công bằng vũ khí hóa học” - ông Tillerson phát biểu tại một hội nghị về vũ khí hóa học ở Paris.

Ngoại trưởng Mỹ khẳng định Nga phải dừng hoặc hạn chế sử dụng quyền phủ quyết trong những cuộc bỏ phiếu của HĐBA LHQ, cụ thể là liên quan đến các vụ tấn công hóa học ở Syria. Những cáo buộc này một lần nữa được Đại sứ Mỹ Nikki Haley nhấn mạnh trong một cuộc họp khẩn cấp của LHQ hôm 23-1 sau cuộc tấn công ở Đông Ghouta.

Đáp lại, Đại sứ Nga Vasily Nebezia mạnh mẽ chỉ trích những cáo buộc của ông Tillerson là quá hấp tấp và cho rằng “Mỹ đang muốn kéo Nga vào vụ việc”.

Chính quyền của Tổng thống Syria cũng nhiều lần bác bỏ cáo buộc đã thực hiện các vụ tấn công hóa học nhằm vào thường dân, khẳng định việc phá hủy kho vũ khí hóa học của nước này có thể được OPCW xác nhận. Tuyên bố mới nhất của Bộ Ngoại giao Syria khẳng định những cáo buộc của Mỹ và Pháp nhằm vào nước này trong vụ tấn công hóa học ở Đông Ghouta hoàn toàn là “dối trá” và “cản trở nỗ lực giải quyết khủng hoảng ở Syria”.

_____________________________

Mỹ chỉ nghe từ phía mình, không chỉ phớt lờ những tranh luận mà còn hoàn toàn phớt lờ cả sự thật về những gì đang diễn ra ở Syria.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov chỉ trích cáo buộc của Mỹ về vụ tấn công hóa học ở Đông Ghouta

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm